“Thực trạng cá và khô các loại kinh doanh trên địa bàn TP.HCM còn tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm đã và đang xảy ra. Điều này cần cảnh báo để các cơ quan quản lý địa phương vào cuộc và có giải pháp ngăn chặn” - ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục) TP.HCM, cho biết.
Không thể biết cá nhiễm chất cấm
Tối 8-4, phóng viên (PV) Pháp Luật TP.HCM đã có chuyến đi thực tế cùng ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chợ đầu mối Bình Điền, gặp gỡ và trò chuyện với các tiểu thương kinh doanh thủy hải sản tại chợ này.
Ông Nguyễn Thanh Bình - một nhà cung cấp cá kèo từ lâu ở chợ cho biết cá kèo kinh doanh tại chợ Bình Điền là do ông tự nuôi ở tỉnh Bạc Liêu.
“Cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên kiểm tra nguồn nước, thức ăn, kháng sinh trị bệnh… trong suốt quá trình nuôi. Do vậy, cá kèo tôi bán ở chợ đảm bảo các điều kiện ATVSTP” - ông Bình nói.
PV hỏi người mua cá kèo có được cấp hóa đơn để làm căn cứ truy xuất khi có ngộ độc thực phẩm do cá kèo gây ra hay không, ông Bình lắc đầu.
Trong khi đó, cá rô và cá lóc bán tại chợ Bình Điền được bà Trần Kim Trị mua lại của các thương lái. “Cá lóc do ba thương lái ở tỉnh Trà Vinh cung cấp, còn cá rô được hai bạn hàng ở tỉnh Hậu Giang bỏ mối. Cá mua về được để chung trong thau chứa” - bà Trị nói.
Bà Trị cho biết luôn yêu cầu thương lái cung cấp cá không nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm. Bà Trị cũng cẩn thận ghi rõ số lượng nhập cá hằng ngày vào sổ để theo dõi. PV thắc mắc: “Cá mua về chị để lẫn lộn, nếu phát hiện nhiễm chất cấm thì biết thương lái nào mà đền?”. Bà Trị chỉ cười…
Tương tự, bà Vũ Kim Phượng cho rằng không thể biết cá có nhiễm chất cấm hay không nên chỉ thu mua của những thương lái quen biết, tin tưởng. “Tôi đâu muốn bán cá còn tồn dư chất cấm. Nếu xét nghiệm cá bị nhiễm chất cấm mà phạt tôi thì oan quá. Tôi sẽ buộc người cung cấp cá đóng tiền phạt và không nhận hàng của người đó nữa” - bà Phượng nói.
Cá kèo, cá điêu hồng, khô cá tra… vào “danh sách đen”
Để đảm bảo nguồn cá an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, Chi cục thường xuyên lấy mẫu kiểm tra và xử phạt đúng luật.
Tháng 1-2016, Chi cục lấy mẫu cá điêu hồng kinh doanh trong Metro An Phú (quận 2, TP.HCM) gửi Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 (Bộ NN&PTNT) phân tích chỉ tiêu chất cấm. Kết quả cá bị nhiễm enrofloxacin với hàm lượng 18,8 µg/kg. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 13 và khoản 3 Điều 4 Nghị định 178/2013 do Chính phủ ban hành, Chi cục phạt Metro An Phú 8 triệu đồng.
Tương tự, Chi cục cũng ra quyết định phạt ông Võ Công Túy (kinh doanh thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM) 3 triệu đồng do kinh doanh cá kèo chứa chất cấm leucomalachite với hàm lượng 0,1 µg/kg.
Không chỉ cá tươi, kết quả phân tích còn phát hiện khô cá tra kinh doanh trong chợ đầu mối Bình Điền “dính” chất cấm trichlorfon chứa hàm lượng 0,57 µg/kg. Chi cục TP.HCM phạt chủ lô hàng khô cá tra nói trên là ông Thái Phước Lộc với số tiền 4 triệu đồng.
Sau đó, Chi cục tiếp tục lấy mẫu và “soi” chất lượng tôm, cá, cua… bày bán trên địa bàn TP.HCM. “Kết quả phân tích trong ba tháng đầu năm 2016 cho thấy 41/143 mẫu (gần 29%) thủy sản kinh doanh tại TP.HCM chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm” - ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, công bố.
Truy tìm nguồn gốc cá nhiễm chất cấm
Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Quản lý ATVSTP chợ đầu mối Bình Điền, cho biết chợ đầu mối Bình Điền hiện có gần 500 hộ kinh doanh thủy hải sản. Mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 1.100 tấn đến 1.200 tấn thủy hải sản tươi sống và sơ chế. Một số tiểu thương cho rằng họ không thể biết cá bị nhiễm chất cấm. Do vậy, nếu cơ quan chức năng phát hiện và phạt do kinh doanh cá nhiễm chất cấm thì chưa thuyết phục. Tuy nhiên, ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền đã kiên trì giải thích người kinh doanh phải có trách nhiệm với sản phẩm mình kinh doanh, có trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm tìm nguồn cung cấp tôm, cá đáng tin cậy để kinh doanh.
Sau khi có kết quả phân tích hóa chất, kháng sinh cấm trong cá, Chi cục gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng các tỉnh thanh tra, kiểm tra những hộ nuôi, các điểm thu mua có mẫu chứa dư lượng chất cấm để kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Trước thực trạng cá kèo, cá điêu hồng, khô cá tra từ các tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ chứa tồn dư hóa chất và kháng sinh, Chi cục yêu cầu các hộ kinh doanh thủy sản trong chợ đầu mối Bình Điền lập bộ hồ sơ quản lý chất lượng. “Chủ hộ kinh doanh phải cập nhật thông tin người bán, người mua tôm, cá hằng ngày để dễ truy tìm nguồn gốc khi xảy ra sự cố. Chi cục sẽ phạt nếu hộ kinh doanh không thực hiện yêu cầu trên” - ông Vĩnh nói.
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), leucomalachite được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt, công nghệ thuộc da… Trong ngành thủy sản, leucomalachite được dùng để vệ sinh ao, hồ nhằm diệt rong, tảo, nấm, ký sinh trùng. Thí nghiệm trên chuột cho thấy leucomalachite có khả năng gây ung thư. Enrofloxacin là kháng sinh cấm sử dụng trong ngành thủy sản, nhằm mục đích trị bệnh cho tôm, cá. Enrofloxacin được cho có nguy cơ gây đột biến gen, gây sẩy thai… Trichlorfon là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, diệt côn trùng. Trong thủy sản, trichlorfon được sử dụng để vệ sinh vùng nuôi tôm, cá. Trichlorfon có độc tính cao, dễ hấp thụ qua da. Hít phải chất này có nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực… Nhiễm nặng có thể bất tỉnh, co giật, thậm chí tử vong.
Thương lái ở các tỉnh thu mua cá của những người nuôi rồi phân phối lại cho tiểu thương. Khi thu mua cá, thương lái không thể biết cá có bị nhiễm chất cấm hay không. Bên cạnh đó, cá sau khi thu mua được thương lái để lẫn lộn nên cũng không thể nhận biết cá của người nuôi nào bị nhiễm chất cấm.
Thật tình mà nói, thương lái không biết cách nào để hạn chế thu mua cá không bị nhiễm chất cấm. Chỉ mong cơ quan chức năng hướng dẫn và tuyên truyền người nuôi cá không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm.
Ông VÕ VĂN LINH, thương lái thu mua cá ở huyện An Phú, An Giang