Các quốc gia bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, đã tham gia cuộc họp 4 ngày do Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC) tổ chức tại Fukuoka, miền tây Nhật Bản và đưa ra một số kết luận về mức khai thác cá ngừ vây xanh.
Đại diện của cơ quan quản lý nghề cá Nhật Bản cho biết, các đại biểu tham dự đã đồng ý cắt giảm 15% sản lượng khai thác cá ngừ vây xanh 3 tuổi và dưới 3 tuổi trong năm 2014, so với sản lượng khai thác trung bình của nhóm này trong giai đoạn 2002-2004. Hoa Kỳ đề xuất mức cắt giảm là 25%, tuy nhiên, do lo ngại việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng tới ngành khai thácấc ngừ của các quốc gia nên đa số đại biểu tham dự đã nhất trí với đề xuất cắt giảm 15% sản lượng do Nhật Bản đưa ra. Thỏa thuận sẽ được thông qua tại đại hội thường niên của Uỷ ban được tổ chức vào tháng 12 tới tại Úc.
Tổ chức Hòa Bình xanh ngay lập tức phản đối mức cắt giảm này. Tổ chức này cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá ngừ vây xanh cần phải được áp dụng cho tất cả các nước cho đến khi trữ lượng của loài này hoàn toàn được phục hồi.
Tổ chức môi trường cũng kêu gọi Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới, đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo khai thác bền vững cá ngừ vây xanh ở khu vực Thái Bình Dương.
Theo các nhà môi trường học, việc đánh bắt cá ngừ trên quy mô công nghiệp khiến một lượng lớn cá ngừ nhỏ ở đại dương bị đánh bắt trước khi trưởng thành và có khả năng phục hồi nguồn lợi là mối đe dọa đến trữ lượng của loài cá có giá trị cao được sử dụng làm sushi của Nhật Bản.
Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) được thành lập năm 2004 trên cơ sở một hiệp ước của Liên Hợp Quốc nhằm bảo tồn, quản lý cá ngừ và các đàn cá di cư khác trong khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương.