Theo Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và XK thủy sản VN (Vasep), TS Nguyễn Hữu Dũng, ba năm trở lại đây (2011 – 1013) XK thủy sản gặp khó khăn ngay từ điểm xuất phát vì một số thủ tục hành chính đã và đang vô tình làm giảm sức cạnh tranh của DN thủy sản. Đã nhiều lần, Vasep kiến nghị với Bộ Nông Nghiệp và PTNT về việc thay đổi cách tiếp cận kiểm soát ATVSTP cho phù hợp, giảm chi phí cho DN thủy sản nhưng đến nay vẫn chưa đạt như mong muốn.
Tạo thêm rào cản
Trong buổi làm việc gần đây với lãnh đạo Vasep, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã phát biểu: “Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Cục thú y phải hết sức lưu ý, không vì thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng không cần thiết để DN thủy sản phải chờ đợi, làm tăng chi phí lưu kho, lưu bãi...”. Đồng thời, bộ này cũng chỉ đạo Nafiqad phải khẩn trương rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để sửa đổi, bổ sung TT 55 cho phù hợp với quốc tế và thực tiễn của VN, theo hướng tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản là động lực chính để ngành hàng này phát triển và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, ngay cả bản dự thảo sửa đổi TT 55 do Nafiqad soạn thảo đưa ra đã không nhận được sự đồng tình từ phía Vasep và các DN XK thủy sản. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep, cho biết: “Một trong những nội dung khiến DN phản ứng mạnh đó là cơ sở sẽ bị ngừng XK nếu có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về chất lượng, ATTP”. Bởi theo ông Hòe, đây là một biện pháp có tính trừng phạt, và vượt quá các nội dung của Luật ATTP. Lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn theo mức quy định của nước nhập khẩu, tuyệt đối không phải là thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh như Luật ATTP quy định, nên không đủ cơ sở cấm XK.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng giám đốc Cty CP thủy sản Cafatex, chi phí kiểm nghiệm và chi phí phát sinh chờ đợi kết quả của Nafiqad đã “ngốn” của DN thủy sản có năm lên tới 8 - 10 tỉ đồng, trung bình hàng năm khoảng 5-6 tỉ đồng. Đây là con số lớn mà DN các nước khác không phải gánh. Vấn đề chính không chỉ ở chi phí kiểm nghiệm mà các thủ tục phát sinh thêm chi phí cho DN thủy sản như phí lưu kho, phí lưu bãi... đã đội tổng chi phí lên 2-3 lần so với chi phí kiểm nghiệm.
Việc bắt buộc DN XK có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng, bị cơ quan thẩm quyền nước NK cảnh báo bị tạm ngừng XK là quá nặng nề và không đúng luật.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo - TGĐ Cty CP thủy sản Gò Đàng cho biết thêm, thị trường EU mặc dù rất khắt khe trong các quy định về ATTP nhưng không dựa trên việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng để cấp chứng thư. Tùy thuộc vào bản chất của sản phẩm hoặc của loài thủy sản, nhà chế biến phải tự tiến hành các kiểm tra cảm quang, hóa học, vi sinh đối với sản phẩm của họ để đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Hiện nay, theo nguyên tắc của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP của từng DN thủy sản, tất cả các DN thủy sản đều có kế hoạch tự lấy mẫu và kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu ATTP và lưu trữ hồ sơ để trình cho kiểm tra viên của cơ quan nhà nước. Do vậy, Nafiqad đang yêu cầu phải lấy mẫu lô hàng kiểm nghiệm như điều kiện để xem xét cấp chứng thư cho lô hàng XK là không đúng, khắt khe hơn cả yêu cầu của EU.
Phạm luật...
Trước những bất cập của TT 55, Vasep đã phải “gõ cửa” Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư Pháp đề nghị hỗ trợ pháp lý để so sánh TT 55 sửa đổi với Luật ATTP và thông lệ quốc tế.
Tại nội dung Công văn số 152 do Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, TS Lê Hồng Sơn ký nêu rõ: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy một số nội dung của TT 55 chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”. Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 31 TT quy định: “Cơ sở có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 tháng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về chất lượng, ATTP thì cơ sở sản xuất bị tạm ngừng XK vào nước nhập khẩu tương ứng. Qua đối chiếu với các quy định của Luật ATTP và các văn bản hiện hành, Cục kiểm tra văn bản thấy không có nội dung nào quy định cho phép áp dụng biện pháp “tạm ngừng XK” khi có cảnh báo về ATTP như quy định tại Điều 31 của TT 55 này”. Hơn nữa, việc tạm ngừng XK là biện pháp xử lý DN, cơ sở sản xuất.
Ông Sơn còn cho rằng bản dự thảo của Nafiqad soạn còn bất cập, bởi việc xử lý này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, XK của DN. Vì vậy, biện pháp xử lý này cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kĩ lưỡng.