Có thể nói, chế biến sản phẩm thủy sản khô đã và đang trở thành nghề phát triển mạnh ở huyện Đông Hải hiện nay. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ ở các địa phương ven biển. Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Với nghề xẻ cá khô, mỗi lao động ở đây có thể kiếm từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Đặc biệt, vào những lúc “hút hàng” như mùa tết thì thu nhập sẽ tăng gấp đôi”.
Với nghề chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ biển như: khô mực, tôm khô, cá khô…, các mặt hàng đặc sản này đã trở thành sản phẩm du lịch cung cấp cho các tỉnh, thành phố với lợi nhuận mang lại hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, nhiều sản phẩm xếp vào các món ngon của tỉnh Bạc Liêu như: khô cá đỏ dạ, khô cá đuối đen, khô cá ngát, khô mực một nắng... Ngoài ra, các sản phẩm như: khô cá dù chẽm, khô cá rún còn được chế biến để phục vụ xuất khẩu.
Nghề chế biến thủy sản khô tuy mang lại thu nhập cao, song, hiện các sản phẩm này chưa được khai thác triệt để như việc nâng chất và xây dựng thương hiệu tập thể để đưa vào bán rộng rãi ở các siêu thị, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch, thay vì chỉ bán ở các chợ truyền thống như hiện nay. Ngoài một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào sản xuất, đóng gói sản phẩm thì chiếm phần lớn vẫn là chế biến thủ công tại hộ gia đình. Không chỉ hoạt động manh mún, nhiều cơ sở nằm ngay trong khu dân cư còn gây ô nhiễm môi trường, do không có hệ thống xử lý nước, chất thải sau chế biến. Bên cạnh đó, do thiếu đầu tư nên thường gặp khó khi vào mùa mưa (không thể phơi cá, mực khô), trong khi đây là thời gian mà hoạt động của các phương tiện đánh bắt mang hiệu quả khá cao. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không tập trung chế biến sản phẩm thủy sản khô mà chỉ xuất cá tươi đi ra các địa phương ngoài tỉnh...
Nghề chế biến sản phẩm thủy sản khô là nghề thế mạnh và mang lại lợi nhuận cao. Do vậy, việc tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ để nâng chất và xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm thủy sản khô Đông Hải là việc cần làm ngay.