Đi dọc các tuyến đường tới một số địa phương, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những người bán rắn, với đủ các loại. Để có được những con rắn ráo, rắn săn chuột, rắn hổ mang… những người bắt rắn phải trèo đồi, lội suối, đối mặt với “thần chết”. Mặc dù nguy hiểm nhưng đa phần người bắt rắn là những trẻ nhỏ vùng cao. Thời điểm giao mùa, từ tháng 3 - 4 âm lịch, rắn thường bò ra khỏi hang. Theo những người có kinh nghiệm, thì thời điểm này chủ yếu là các loại rắn săn chuột, rắn ráo. Những loại rắn này được bán với giá rẻ, chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg, nên rất đông khách đi đường mua về để thịt, chế biến thành những món đặc sản. Riêng rắn hổ mang chúa, hổ mang bành giá bán khá cao, có khi lên tới vài trăm nghìn đồng/kg.
Trên tay cầm con rắn săn chuột dài hơn một mét, nặng chừng 1 kg, em Giàng A Chung hồn nhiên nói: Bắt rắn nguy hiểm lắm nhưng thấy nhiều người mua nên chúng em đi bắt để giúp gia đình có thêm thu nhập. Nhiều người dân đi đường cũng có nhu cầu kiếm được rắn, ếch hay cá suối về để làm món nhậu, vì thế, họ vô tình “cổ vũ” đồng bào săn bắt rắn. Rắn là món “khoái khẩu” với nhiều người, việc cắt tiết, móc mật rắn pha rượu để uống được cho là rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khoa học đã phân tích và cho thấy, mật rắn rất độc, còn tiết rắn thì không có tác dụng gì, có tính lạnh, nếu uống vào sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, dinh dưỡng trong thịt rắn không cao.
Anh Phong, từ Sa Pa về thành phố Lào Cai, trên đường đi, anh luôn để mắt tìm những người bán ếch, rắn hay cá suối. Đi đến gần Ủy ban nhân dân xã Trung Chải, anh “sáng mắt” khi thấy hai thanh niên người Mông xách túi cước, trong đó có một đôi rắn hổ mang bành. Sau một hồi làm giá, anh mua được đôi rắn này với giá 500.000 đồng.
Rắn đang bị săn lùng ráo riết. Việc tận diệt rắn không chỉ gây mất cân bằng sinh thái, mà còn tạo điều kiện để chuột và các loại côn trùng có hại sinh sôi, phá hoại hoa màu, khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn.