Nghề khai thác sá sùng không đòi hỏi phải đầu tư nhiều, từ người già đến trẻ em đều có thể xách giỏ, vác mai ra bãi tìm bắt. Thu nhập của một người đi khai thác sá sùng được từ 100.000 - 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, do khai thác nhiều nên sản lượng đã giảm rất nhiều. Nếu như trước đây một người có thể khai thác trung bình 7 - 10 kg/ngày (chủ yếu là những con có kích thước trưởng thành) thì nay chỉ được 1 - 3 kg/ngày (cả những con rất nhỏ làm con giống).
Những năm qua, nguồn lợi sá sùng tại các vùng biển đã giảm mạnh và có nguy cơ cạn kiệt. Và nguyên nhân chính được xác định là do ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ; chưa có quy hoạch bảo tồn và khai thác hợp lý; khai thác quá mức và mang tính tận thu nguồn lợi; khai thác bằng các phương pháp huỷ diệt và trong mùa sinh sản tại các bãi sinh sản. Mặc dù là đối tượng có giá trị kinh tế cao nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về đặc điểm sinh học, công nghệ sản xuất nhân tạo giống, nuôi thương phẩm...
Gần đây, nhận thức được ý nghĩa của việc khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi sá sùng, một số hộ dân được giao diện tích bãi triều đã có ý thức hơn trong việc khai thác đồng thời khoanh nuôi bảo vệ bằng cách thả con giống nhỏ vào bãi nuôi, chỉ thu hoạch những con đủ kích cỡ, hạn chế khai thác trong mùa sinh sản. Việc khoanh nuôi và khai thác trên bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, nguồn con giống chủ yếu được khai thác từ tự nhiên với số lượng ngày càng hạn chế do quá trình khai thác tận thu. Ngoài ra, những bãi sá sùng hiện nay chủ yếu là các bãi triều khai thác cộng đồng, không có cơ chế quản lý về mùa vụ, kích thước khai thác nên việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi sá sùng gặp rất nhiều khó khăn.
Từ thực tế hiện nay cho thấy sự cần thiết và cấp bách phải phục hồi, tái tạo, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi sá sùng, nếu chúng ta không muốn nguồn lợi sá sùng của Quảng Ninh sẽ bị cạn kiệt.
Một số giải pháp cần phải triển khai là giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường ven biển; xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn loài sá sùng; có biện pháp bảo vệ các bãi đẻ của sá sùng trong mùa sinh sản, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm sá sùng; nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi sá sùng; xây dựng các quy hoạch và triển khai các chương trình, mô hình khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi sá sùng.
Đồng thời nghiên cứu, xem xét giao một số diện tích bãi triều cho dân tự quản để nuôi, tái tạo, khai thác theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nguồn lợi thuỷ sản các cấp… Làm tốt các giải pháp này mới có thể quản lý, bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản quý hiếm này.