Ở một số người vì lợi nhuận bất chính mà mua một số loại thuốc trừ sâu như Karate 2,5 EC, Fastac 5EC,… rải vào nguồn nước để tôm ngoi lên mặt nước sau đó họ lấy vợt vớt lên để mang đi bán. Loại thuốc này là thuốc có công dụng trừ sâu, bọ xít, bọ trĩ,…trên cây trồng, được bán với giá rất rẻ.
Bắt tôm bằng cách rải thuốc trừ sâu không những ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng phải loại tôm này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, rải thuốc trừ sâu vào nước để bắt tôm là một cách làm vô ý thức, đây là cách làm nguy hại đến môi trường và người ăn phải loại tôm này. Những địa phương nào xuất hiện những hiện tượng như thế, chính quyền địa phương nên can thiệp. Việc này làm thiệt hại ngành chăn nuôi, làm cá tôm, thủy sản khác chết.
Việc làm cho tôm nhiễm độc rồi bán cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc, gây tác hại đến sức khỏe của cộng đồng. Việc dùng thuốc trừ sâu rải để bắt tôm còn tệ hại hơn dùng xung điện để bắt vì nó có thể tiêu diệt cả một hệ sinh thái dưới nước, còn việc dùng thuốc trừ sâu vừa tiêu diệt cả hệ sinh thái dưới nước vừa gây ngộ độc cho người dùng.
Cũng theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp, việc rải thuốc trừ sâu để bắt tôm rất hại cho môi trường và người. Trong tôm còn tồn dư thuốc trừ sâu nếu người dùng ăn phải chính là tác nhân gây ưng thư. Việc này cần lên án, hành vi này có thế phạt đến hai tội là: cố tình gây ô nhiễm thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đối hành vi đánh bắt sử dụng thuốc trừ sâu có thể bị xử lý hình sự về Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản theo Điều 188 BLHS:
Người nào sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến năm năm
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng. Nếu chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất độc, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản trên biển.
Đối với hành vi buôn bán: Nếu bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì có thể bị bị phạt tù từ 1 đến 15 năm. Ngoài ra người bán sẽ phải chịu thêm nhiều mức phạt tiền khác.