Trung tâm Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng và an toàn (VRQC) - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Tình hình an ninh hàng hải nói chung và cướp biển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng gần đây diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, nạn cướp biển có xu hướng tăng mạnh tại khu vực biển Sulu-Celebes phía Nam Philippines và khu vực biển phía Đông Sabah của Malaysia. Từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, xảy ra 2 vụ tàu biển Việt Nam đang trên hành trình chở hàng bị cướp biển tấn công và bắt giữ người. Cụ thể, ngày 19/2/2017 tàu Giang Hải của Công ty CP Vận tải biển quốc tế (Hải Phòng) bị cướp biển tấn công tại vùng biển Philippines, 6 người bị bắt đi. Trước đó, ngày 11/11/2016, cướp biển cũng tấn công tàu Royal 16 tại vùng biển Philippines và bắt giữ 6 người làm con tin.
Cũng theo đại diện VRQC, trước đây phương thức thường thấy của cướp biển là tấn công tàu để lấy tài sản, tư trang, sau đó chuyển sang tấn công tàu dầu, nhưng nay cướp biển có xu hướng chuyển sang bắt giữ người để đòi tiền chuộc. Cướp biển tấn công tàu rất manh động và tàn bạo, thậm chí sẵn sàng đánh đập, giết chết nạn nhân. Cướp biển thường dùng tàu cao tốc, súng bắn từ xa uy hiếp, tấn công tàu vận tải, tàu cá đi lại qua khu vực này để bắt người và mang giấu tại các đảo để đòi tiền chuộc.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 01/2017 tại khu vực Châu Á đã xảy ra 06 vụ cướp có vũ trang tấn công tàu thuyền, trong đó có 04 vụ việc được thực hiện thành công và 02 vụ việc bất thành. Trong 04 vụ cướp có vũ trang tấn công thành công có 01 vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, 01 vụ việc nghiêm trọng, 01 vụ việc ít nghiêm trọng và 01 vụ việc liên quan đến trộm cắp vặt. Vụ việc được phân loại đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến việc nhóm tội phạm có vũ trang tấn công tàu cá Malaysia khi tàu đang hoạt động tại khu vực biển Sulu – Celebes và bắt giữ 03 thuyền viên làm con tin.
Trước tình trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng hải tuyên truyền, phổ biến tới các chủ tàu, công ty quản lý và khai thác về tình hình cướp biển xảy ra đối với các tàu lai dắt trong vùng biển Đông Sabah và Nam Philipines để đảm bảo không xảy ra sự cố an ninh đối với tàu biển Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp vận tải biển có tàu chạy tuyến quốc tế, Cục Hàng hải yêu cầu cẩn trọng khi đi qua eo biển Malacca/Singapore, khu vực vùng biển Đông Sabah và Nam Philipines; Các tàu có tốc độ chậm nên chuyển hướng tránh đi qua các khu vực biển Đông Sabah và Nam Philipines.
Tổ chức các nước tham gia Hiệp định hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở châu Á (ReCaap) đã đề nghị chính quyền các quốc gia ven biển cần phải tăng cường công tác tuần tra tại các khu vực thường xuyên xảy ra nạn cướp biển tấn công nhằm từng bước hạn chế hiện tượng này. ReCaap cũng tiếp tục đưa ra các khuyến nghị đối với tàu thuyền hoạt động tại khu vực cần cân nhắc điều chỉnh tuyến hành trình để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công, tuy nhiên, trong trường hợp không thể thay đổi tuyến hành trình thì thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu cần phải đặc biệt nâng cao cảnh giác, hành trình theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong khu vực. Cố gắng hành trình ban ngày và tránh xa các đảo (có thể là nơi trú ẩn của cướp biển). Cảnh giác, quan sát kỹ biểu hiện bất thường và tránh các tàu cá, tàu nhỏ đơn lẻ; Cho tàu hành trình với tốc độ tối đa có thể; Triển khai tối đa các biện pháp chống tiếp cận, chống xâm nhập (khóa cửa, chăng dây thép gai quanh tàu và các lối lên boong thượng tầng, tăng cường chiếu sáng boong và quanh tàu khi trời tối… Ngoài ra, ReCaap đề nghị các tàu thuyền đi qua khu vực này cần thực hiện việc báo cáo tới nhà chức trách của Philippine và ESSCOM khi tàu hành trình qua khu vực Sibutu và biển Sulu-Celebes.