Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết tình hình nợ xấu trong doanh nghiệp cá tra vừa qua đã ở mức báo động. Nhiều doanh nghiệp không có vùng nuôi, mua cá nguyên liệu ở ngoài theo hình thức thanh toán trả chậm. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có phần do hàng tiêu thụ chậm, khách hàng chậm thanh toán… nên phải đến nhiều tháng sau doanh nghiệp mới có tiền để trả cho người bán cá.
Một cán bộ Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong quá trình đi khảo sát, tiếp xúc với các hợp tác xã nuôi cá và doanh nghiệp vừa qua đã ghi nhận không ít trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nông dân dưới hình thức trả chậm, đến 1 - 2 tháng sau khi mua cá, thậm chí có trường hợp không thanh toán.
“Tuy nhiên, nông dân do thiếu kiến thức về pháp luật, ít sử dụng hợp đồng mua bán, nên thường chịu thiệt thòi khi sự việc đến mức phải nhờ chính quyền can thiệp”, ông nói.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung ứng thức ăn thủy sản và thuốc thú y cho doanh nghiệp thủy sản cho biết, tình trạng “mua thiếu” thường xuyên xảy ra với hầu hết các mặt hàng nguyên liệu, chứ không riêng gì cá tra nguyên liệu, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, doanh nghiệp khó vay được tiền.
“Do đầu vào đã được mua chịu, nên doanh nghiệp cũng dễ dãi bán theo hình thức trả chậm cho khách hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, sẽ kéo theo sụp đổ theo dây chuyền các đơn vị cung ứng, nông dân”, bà nói.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá cá tra nguyên liệu hiện nay đã tăng trung bình 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cuối năm ngoái và giá cá sẽ có khả năng tiếp tục đứng ở mức cao do tình hình thiếu hụt con giống từ sau đợt lũ kéo dài nhiều tháng ở ĐBSCL năm trước.