Không chỉ ảnh hưởng đến thị trường thủy sản, cạnh tranh với các sản phẩm trong nước, nghiêm trọng hơn, nó còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Việc tiêu thụ những sản phẩm thủy sản không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch y tế là hành động đánh cược sức khỏe của người tiêu dùng khi ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Thủy sản nhập lậu: Giá rẻ đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn
Thủy sản đông lạnh nhập lậu thường được vận chuyển trái phép qua biên giới từ Trung Quốc, Campuchia và một số nước khác, sau đó được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống với mức giá rất thấp so với hàng có kiểm định. Chính yếu tố "rẻ" này khiến không ít người buôn bán và người tiêu dùng “nhắm mắt làm ngơ” trước nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những sản phẩm này không được kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, điều kiện vận chuyển và bảo quản cũng không được đảm bảo. Nhiệt độ bảo quản không ổn định, đá tan chảy nhiều lần khiến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi. Đây chính là "ổ chứa" tiềm ẩn của các loại mầm bệnh có thể gây hại đến sức khỏe con người.
Nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng từ thủy sản nhập lậu
Một trong những rủi ro lớn nhất từ thủy sản nhập lậu là nhiễm vi sinh vật gây bệnh, bao gồm:
- Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và Vibrio cholerae (gây tả) thường có trong các loại hải sản bảo quản không đúng cách.
- Vi khuẩn Salmonella có thể gây tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Ký sinh trùng như giun xoắn, sán lá gan nhỏ tiềm ẩn trong cá sống hoặc cá bảo quản kém.
Nguy hiểm hơn, việc nấu không kỹ hoặc ăn gỏi cá có thể khiến người tiêu dùng vô tình ăn phải mầm bệnh, gây ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mãn tính.
Thủy sản nhập lậu còn có thể chứa dư lượng kháng sinh và hóa chất bảo quản bị cấm
Thủy sản nhập lậu – Dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm
Thủy sản nhập lậu còn có thể chứa dư lượng kháng sinh và hóa chất bảo quản bị cấm. Vì không trải qua quy trình nuôi trồng và kiểm soát chặt chẽ, nhiều cơ sở nước ngoài sử dụng các loại kháng sinh mạnh để giảm chi phí, rút ngắn thời gian nuôi, hoặc bảo quản bằng chất cấm như formaldehyde, sodium benzoate, malachite green.
Những hóa chất này nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh và làm tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, dư lượng kháng sinh còn khiến cơ thể người tiêu dùng dần kháng lại thuốc điều trị khi mắc bệnh, gây khó khăn trong chữa trị các bệnh lý thông thường.
Hậu quả không chỉ dừng lại ở người tiêu dùng
Việc tiêu thụ thủy sản nhập lậu không chỉ là vấn đề cá nhân. Khi một cộng đồng sử dụng thực phẩm không an toàn, làm tăng áp lực cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và quản lý. Điều này, gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chi phí điều trị tăng, năng suất lao động giảm và niềm tin vào ngành thủy sản trong nước cũng bị ảnh hưởng theo.
Để giải quyết vấn đề thủy sản đông lạnh nhập lậu, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người dân. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu, siết chặt các quy định về nhập khẩu và tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Hơn hết, mỗi người tiêu dùng cần tỉnh táo, lựa chọn thực phẩm an để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Bởi lẽ, không ai khác ngoài chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu mầm bệnh âm thầm lây lan từ những con tôm, con cá không rõ nguồn gốc.