Mẹ tôi kể, những cây mồng tơi đầu tiên xuất hiện ở bên hông nhà là do cha tôi trồng cách đây đã hơn 6, 7 năm. Mỗi khi dây nó leo chằng chịt lên hàng rào là cha tôi lại xách dao cắt bỏ bớt.
Những hạt mồng tơi tim tím rơi vãi xuống đất lại mọc lên những cây mồng tơi tốt tươi, xanh mướt mà hầu như không cần bàn tay con người chăm bón. Cứ thế, hết đợt cây mồng tơi này tàn lụi thì đợt cây mồng tơi khác lại “lấn tới” um tùm. Có lẽ vì thế mà những món canh nấu từ rau mồng tơi đã đi vào bữa ăn của gia đình tôi đều đặn hơn và như những mảng ký ức ngọt ngào khó có thể nào quên đối với chị em tôi.
Trong nhiều món canh được mẹ tôi nấu từ rau mồng tơi, chị em tôi thích nhất vẫn là canh chua mồng tơi nấu cá rô đồng. Ngày trước, mỗi lần mẹ tôi chuẩn bị nấu món canh ấy, chị em tôi lại xách rổ chạy ra đám mồng tơi cố hái thật nhiều những đọt mồng tơi còn non xèo và những chiếc lá mồng tơi nhỏ để món canh càng thêm ngon. Bởi nếu hái những mồng tơi có nhiều lá to khi nấu canh sẽ dễ bị nát.
Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, mẹ tôi đun một nồi nước thật sôi, thả những con cá rô đồng đã được làm sạch vào. Nước sôi lần nữa, mẹ tôi vớt bỏ hết bọt, đợi cá đã chín tới mới cho rau mồng tơi vào đảo đều, sau đó rót chén nước cốt me chua vào nồi, nêm nếm gia vị vừa ăn và vài lát ớt.
Khi mồng tơi chuyển sang màu vàng dịu là canh đã chín, mẹ tôi nhắc nồi canh xuống khỏi bếp và cho một ít rau ngò ôm đã được xắt nhuyễn vào. Vậy là trong nháy mắt, món canh chua rau mồng tơi cá rô đồng đã hoàn tất, canh có vị thơm ngọt của cá, vị chua của me hòa quyện với vị bùi bùi của rau mồng tơi tạo nên hương vị rất đặc trưng khó nhầm lẫn. Vì vậy, chị em chúng tôi ăn hoài vẫn thấy ngon và thèm.