Tranh thủ thời gian tàu neo đậu về đêm, hoặc lúc gặp thời tiết bất lợi, sóng gió lớn tàu phải neo lại chờ sóng yên mới cập đảo, những thủy thủ tàu, lính hải quân trong các đoàn công tác bắt đầu việc câu cá.
Giữa biển khơi bao la, mỗi người lính đi biển dài ngày thường cất sẵn cho mình vài trăm mét dây cước quấn gọn trong một vòng nhựa. Đủ các cỡ cước kèm cục chì khoảng 0,3kg tới gần 1kg đảm bảo kéo được cá nặng vài kg tới cá to cả tạ. Lưỡi câu thì chuẩn bị sẵn nhiều loại lớn bé khác nhau dùng cho mỗi loại cá khác nhau bởi ở mỗi vùng biển sẽ là nơi sinh sống của những loài cá nhất định.
Thuyền viên Lê Văn Khánh cho biết: Tại vùng biển thuộc quần Trường Sa, có nhiều vùng nước nông, sâu với các rạn san hô có rất nhiều loại cá trú ngụ, như: cá thu, mú, ngừ…Đến vùng nào câu cá loại nào, anh em chúng tôi đều nắm rõ như lòng bàn tay.
Buổi tối đến, ban đầu chỉ lác đác vài tay câu, dần dần lên đến vài chục người dọc suốt hai mạn tàu.
Thú vị nhất khi có những con cá hàng chục ký cắn câu, các chiến sỹ phải gồng mình dìu hơn tiếng đồng hồ khéo léo để không đứt dây, đến lúc cá mệt mới kéo lên trong sự reo hò của cả tàu…Cá sau khi được kéo lên được mổ hết ruột. Bởi nếu để nguyên ruột cá khi chất vào kho lạnh cá sẽ dễ bị hỏng. Ruột cá được dùng nấu mì tôm để làm bữa ăn đêm cho cả tàu. Còn thân cá phần nhiều sẽ được chất vào kho lạnh để cải thiện bữa ăn trên tàu hoặc mang về cho gia đình.
Cá câu được làm sạch ruột ngay tại chỗ để trữ đông
Theo kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, không cần câu, chỉ treo vài bóng đèn neon ở mạn tàu để dụ cá chuồn, loại cá có thể bay trên mặt nước được 100-300m. Ban đêm, vốn mê ánh sáng, như những con thiêu thân, bọn cá chuồn cứ thế bay vèo vèo trên mặt nước lao vào quầng sáng. Người trên tàu chỉ cần cầm vợt dài vớt lên.
Câu được các loại cá nhỏ như chuồn, mú…các “cần thủ” lại dùng làm mồi để câu cá lớn hơn.
Không chỉ câu cá, thuyền viên và chiến sỹ còn lặn bắt ốc nhảy, món đặc sản có ở một số đảo. ảnh: Lặn bắt ốc nhảy khi đang neo tại đảo Thuyền Chài.