Toàn tỉnh hiện có 209 cơ sở, doanh nghiệp chế biến hải sản gồm chế biến hàng đông lạnh, hàng khô và nước mắm. Trong đó, có 15 doanh nghiệp/21 điểm chế biến hải sản xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Phần lớn các doanh nghiệp chế biến hải sản đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO. Xây dựng được mối liên kết chuỗi từ công đoạn khai thác đến thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 40 doanh nghiệp chế biến hải sản đông lạnh, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ , EU, châu Á… Chế biến hải sản khô có 12 doanh nghiệp lớn và hàng chục cơ sở nhỏ lẻ sản xuất các mặt hàng mực khô, tôm khô, cá khô tẩm các loại… và 107 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm. 100% cơ sở chế biến hải sản, nước mắm được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, chế biến thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển khá về số lượng doanh nghiệp, sản lượng chế biến và giá trị xuất khẩu. Theo thống kê, năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh đạt 131,5 triệu USD, tăng 54,7% so năm 2010 và chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu: Nhật Bản, Bắc Mỹ, Tây Âu, Hàn Quốc, Singapo, Hồng Kông, Australia… Các sản phẩm chủ yếu là cá, nghêu, mực, tôm đông lạnh, mực khô lột da, cá khô tẩm và các sản phẩm đồ hộp trên cơ sở quản lý chặt chẽ chất lượng, an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn EU, Mỹ.
Ngành chế biến thuỷ sản đã góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây được xem là ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp chế biến (chiếm trên 60%). Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản có nhà xưởng sản xuất quy mô phù hợp, thực hiện nghiêm chương trình quản lý chất lượng, sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình thường có nhà xưởng thô sơ, sản xuất thủ công, thiếu người theo dõi, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nên đạt ở mức thấp so yêu cầu, đặc biệt các cơ sở chế biến cá cơm khô. Công tác bảo quản sau thu hoạch mặc dù được quan tâm, song vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư cao. Đa số vẫn sử dụng phương pháp bảo quản truyền thống như bảo quản bằng đá lạnh trong hầm cách nhiệt thô sơ nên việc giữ tươi sản phẩm chưa đạt yêu cầu, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những chuyến biển dài ngày.
Theo định hướng, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp chế biến thủy sản gắn với xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như mực, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nước mắm đi đôi với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới công nghệ gắn với sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn phổ biến của quốc tế ISO, HACCP, GMP, SSOP và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu khai thác. Chuyển từ chế biến và xuất khẩu hàng đông lạnh sơ chế sang các dạng sản phẩm tinh chế, sản phẩm ăn liền, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu đối với từng sản phẩm. Đồng thời, chú ý nâng cao chất lượng bảo quản các mặt hàng đặc sản tươi sống để nâng cao giá trị xuất khẩu.