Loại máu nhân tạo mới bao gồm nước, muối và một loại protein có tên gọi là hemerythrin, chiết xuất từ sâu biển. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Babeş-Bolyai ở Cluj-Napoca, Romania hy vọng, nó có thể giúp chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung máu phục vụ y học và ngăn chặn sự nhiễm trùng trong quá trình hiến máu.
Tiến sĩ Radu Silaghi-Dumitrescu, người đứng đầu nghiên cứu, nói thêm rằng, sáng chế của họ thậm chí có thể dẫn tới sự ra đời của "máu khẩn cấp", có khả năng vận chuyển được và biến thành máu nhân tạo khi cho thêm nước.
Cho tới gần đây, các nỗ lực tạo ra máu nhân tạo đều gặp thất bại do chất lỏng không thể chống chịu được những sức ép cơ học và hóa học đặt lên nó. Theo tiến sĩ Silaghi-Dumitrescu, không giống như hemoglobin, hemerythrin vẫn ổn định khi tiếp xúc với sức ép cơ học và hóa học.
Các thử nghiệm loại máu nhân tạo mới trên chuột cho tới hiện tại đều cho kết quả khả quan. Những con chuột thí nghiệm không phải chịu bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào.
Nhóm nghiên cứu hiện hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng máu nhân tạo ở những người tình nguyện trong vòng 1 - 2 năm tới.
Theo trang tin Softpedia, công trình của các nhà khoa học Romania ra đời dựa trên nghiên cứu năm 2011 của Đại học Edinburgh (Anh) và Đại học Bristol (Mỹ). Nhóm nghiên cứu cách đây 2 năm đã tạo ra hàng ngàn triệu tế bào hồng cầu từ tế bào gốc trích rút từ tủy xương với hy vọng tạo nguồn cung tế bào máu O-. Loại máu "chuyên cho" này có thể truyền cho tới 98% dân số trên toàn thế giới.
Một nguồn cung máu an toàn cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích ở các nước đang phát triển, nơi hàng ngàn người tử vong vì các chứng bệnh như xuất huyết sau sinh.
Người Pháp đã xúc tiến các cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu với máu tế bào gốc ở người. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác khắp thế giới đang nỗ lực chế tạo haemoglobin, protein của tế bào hồng cầu được sử dụng để vận chuyển oxy khắp cơ thể. Những ý tưởng đang theo đuổi bao gồm cả việc sử dụng haemoglobin trích lấy từ bò như giải pháp thay thế máu.