Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) được xác nhận do Vibrio parahaemolyticus mang plasmid chứa gen độc tố PirA và PirB, gây bệnh trên tôm. Điểm đáng lưu ý là hai gen độc tố trên có khả năng truyền cho các loại vi khuẩn khác như Vibrio harveyi, và vẫn duy trì độc lực gây chết tôm. Các chủng vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong môi trường nước nên rất khó khăn trong việc phòng ngừa bệnh, dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh phổ biến. Kháng sinh mang lại hiệu quả tốt trong việc điều trị bệnh vi khuẩn, tuy nhiên việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm sau đó. Do đó, việc nghiên cứu biện pháp giúp tôm tăng cường sức đề kháng với mầm bệnh, phòng trị bệnh an toàn và thân thiện với môi trường là rất cần thiết.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm thẻ chân trắng, màu sắc gan tụy nhạt so với tôm bình thường (trên cùng).
Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã xác định hiệu quả của việc sử dụng chiết xuất thảo dược, giúp tôm tăng cường hệ miễn dịch và ức chế vi khuẩn gây bệnh. Chiết xuất thảo dược được ghi nhận có hoạt tính kháng khuẩn cao, tăng cường hệ miễn dịch, ít ảnh hưởng đến môi trường và không gây hại cho con người. Do vậy, việc chuyển đổi từ các loại thuốc tổng hợp sang các loại thảo dược như một phương pháp thay thế cho kháng sinh, kích thích tăng trưởng trong nghề nuôi thủy sản đang trở nên phổ biến, được chấp nhận do hiệu quả mang lại. Vi khuẩn được báo cáo là không có khả năng đề kháng với các nhóm hóa chất từ chiết xuất thực vật. Tuy nhiên, chiết xuất thảo dược được đánh giá không thể hiện hoạt tính kháng khuẩn tốt đối với các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Các nghiên cứu trước cũng đã ghi nhận chất chiết từ lá lựu có hoạt tính kháng khuẩn V. parahaemolyticus, V. harveyi với đường kính vòng kháng khuẩn lớn tương ứng với 20,7 ± 0,58 mm và 18,3 ± 0,58 mm. Bên cạnh đó, cá tra giống cũng tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch và kháng vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ sau 4 tuần sử dụng thức ăn có bổ sung chất chiết lá lựu.
Hình ảnh vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus đang phát triển, khỏe mạnh dưới kính hiển vi. Ảnh: University of Exeter Bioimaging Unit.
Do vậy, nghiên cứu về chế độ ăn bổ sung chất chiết lá lựu trên tôm thẻ ảnh hưởng đến sinh trưởng và khả năng kháng bệnh được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin khoa học làm cơ sở cho việc sử dụng thảo dược rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản, nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong quản lý dịch bệnh thủy sản.
Thí nghiệm bổ sung chất chiết lá lựu
Thí nghiệm được bố trí với 3 nghiệm thức và 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức, bao gồm: Nghiệm thức đối chứng (ĐC): tôm ăn thức ăn không bổ sung thảo dược;
Nghiệm thức C1: tôm ăn thức ăn bổ sung 1% chất chiết lá lựu;
Nghiệm thức C2: tôm ăn thức ăn bổ sung 2% chất chiết lá lựu.
Tôm thí nghiệm được cho ăn thức ăn có bổ sung thảo dược trị bệnh tôm liên tục trong 4 tuần, 4 lần/ngày với lượng thức ăn theo nhu cầu của tôm. Sau 4 tuần, tôm được gây nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus bằng phương pháp ngâm ở các nghiệm thức có bổ sung chiết xuất lá lựu. Sau đó, tôm được theo dõi, ghi nhận dấu hiệu bệnh lý và tỷ lệ chết trong vòng 14 ngày tiếp theo.
Tốc độ tăng trưởng của tôm thẻ được bổ sung chiết xuất lá lựu
Sau 4 tuần, trọng lượng tôm ở các nghiệm thức có bổ sung chất chiết lá lựu đều cao hơn nghiệm thức đối chứng. Trong đó, nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu có trọng lượng tôm, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng đặc biệt đạt giá trị cao nhất so với các nghiệm thức khác của thí nghiệm. FCR ở nghiệm thức bổ sung 1% (FCR = 1,15), 2% (FCR = 1,17) chiết xuất lá lựu đạt giá trị thấp hơn nghiệm thức đối chứng (FCR = 1,21). Ngoài ra, tôm ở nghiệm thức bổ sung 1% chiết xuất lá lựu đạt tỷ lệ sống cao nhất (89,90%). Tuy nhiên, nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu cho tỷ lệ sống thấp hơn cả nghiệm thức đối chứng. Nguyên nhân có thể là do nồng độ bổ sung thảo dược chưa phù hợp, có thể gây ức chế sự tăng trưởng của tôm. Một số nghiên cứu về chiết xuất thảo dược khác như Cá mú có chế độ ăn bổ sung 1% chiết xuất rau ngót cũng đạt tốc độ tăng trưởng tốt và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn thấp so với nhóm cá mú bổ sung nồng độ cao (2,5% và 5% chiết xuất rau ngót).
Chất chiết lá lựu giúp tôm tăng trưởng tốt hơn. Ảnh: The Garden of Eaden
Như vậy, tôm được cho ăn thức ăn bổ sung chất chiết từ lá lựu (1% và 2%) đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với tôm ở nghiệm thức không bổ sung. Các loại thảo dược được ghi nhận có khả năng tạo hương vị, kích thích bắt mồi, tiết dịch tiêu hóa và giúp hấp thu thức ăn hiệu quả hơn. Qua đó, chiết xuất thảo dược giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, gia tăng sự chuyển đổi thức ăn và dẫn đến việc tổng hợp protein cao hơn. Một số sản phẩm thảo dược trị bệnh tôm được chiết xuất từ cây kỳ nham, gừng, cà gai ba thùy, xuyên tâm liên, phá cố chỉ, cỏ mực, hương nhu, diệp hạ châu, dây thần thông,… đều có tác động tích cực đến tôm như khả năng thúc đẩy giảm stress, giúp tiêu hóa tốt và do vậy tăng trưởng tốt hơn.
Tác động của chế độ cho ăn bổ sung chất chiết lá lựu lên chỉ tiêu miễn dịch của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng của các nghiệm thức có bổ sung chất chiết lá lựu ở các nồng độ 1% và 2% đều có chỉ số tổng tế bào máu (THC) tăng cao hơn nghiệm thức đối chứng.Tương tự, chỉ tiêu bạch cầu hạt (Granular cell - GC) đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu, tiếp theo là nghiệm thức bổ sung 1% chất chiết lá lựu và nghiệm thức đối chứng. Ở thời điểm 14 ngày, chỉ tiêu bạch cầu không hạt (Hyaline cell - HC) cũng đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu với mật độ là 16,54 x103 tb/mm3 . Tương tự, ở thời điểm 28 ngày bổ sung giá trị HC đạt cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu (18,45 x103 tb/mm3 ) và thấp nhất ở NT đối chứng với mật độ là 14,14 x103 tb/mm3.
Tôm thẻ chân trắng của các nghiệm thức có bổ sung chất chiết lá lựu (1% và 2%) đều có hoạt tính enzyme phenoloxidase (PO) và superoxide dismutase (SOD) cao hơn nghiệm thức đối chứng. Như vậy, việc bổ sung chất chiết thảo dược vào thức ăn giúp gia tăng hoạt tính enzyme PO và SOD trong máu tôm, giúp tăng cường hệ miễn dịch của tôm thẻ.
Khả năng đề kháng V. parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng được cho ăn thức ăn bổ sung chất chiết lá lựu
Tôm thẻ được cho ăn thức ăn có bổ sung chất chiết lá lựu trong vòng 28 ngày, được cảm nhiễm với vi khuẩn bằng phương pháp ngâm. Ban đầu, tôm chết do tác động của V.parahaemolyticus có gan tụy nhợt nhạt, ruột rỗng, không chứa thức ăn. Tỷ lệ chết tăng dần vào những ngày kế tiếp cho tới ngày thứ 9 sau cảm nhiễm thì tôm ngừng chết.
Nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu tỷ có lệ chết thấp nhất (44,4%) so với nghiệm thức đối chứng (71,1%). Điều này cho thấy việc bổ sung chất chiết lá lựu ở mức phù hợp có khả năng giúp tôm kháng lại V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Chế độ cho ăn có bổ sung chất chiết xuất từ thảo dược cũng đã được xác định giúp tăng sức đề kháng với mầm bệnh trên tôm sú. Cụ thể, tôm sú được cho ăn thức ăn có chứa chiết xuất mảnh cộng (Clinacanthus nutans) có tỷ lệ chết giảm (33,3% ở nhóm bổ sung 0,1% chiết xuất) so với nhóm đối chứng (75,5%). Tương tự, chiết xuất methanol của một số thảo dược như tai tượng xanh, cỏ gà, hồ hoàng liên, sâm Ấn độ và hương thảo kết hợp bổ sung trong chế độ ăn của tôm trong 60 ngày, có khả năng kích thích miễn dịch và bảo vệ tôm khỏi bệnh đốm trắng.
Các bộ phận của cây lựu chứa nhiều loại hoạt chất sinh học. Ảnh: pxhere