Ông Tám cho hay, trong chuyến làm việc kết thúc ngày 17-11, đoàn đã đến làm việc với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản để trao đổi về hợp tác giữa hai bộ trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng nông sản và đặc biệt là các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản sớm xem xét để nâng hạn mức dư lượng Ethoxyquin trong sản phẩm tôm nhập khẩu một cách hợp lý. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết họ vẫn đang tiếp tục xem xét.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng có văn bản gửi cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật, đề nghị áp dụng tạm thời mức dư lượng Ethoxyquin ở mức 1 ppm.
Việc áp dụng mức dư lượng Ethoxyquin rất thấp, bằng 0,01 ppm, đối với tôm đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Nhật Bản. Nhật Bản chưa quy định mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của Ethoxyquin trong tôm, nên cơ quan thẩm quyền của Nhật hiện đang áp dụng mức mặc định rất thấp (0,01 ppm) đối với tôm.
Ethoxyquin là chất chống ôxy hóa tổng hợp, được nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, cho phép sử dụng như một chất bảo quản thức ăn chăn nuôi (với mức dư lượng tối đa cho phép bằng 150 ppm).
Do vậy, Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật tạm thời áp dụng mức mặc định đối với tôm là 1 ppm tương tự như đối với cá.
Trong khi tiếp tục đấu tranh, thuyết phục phía Nhật Bản, ngành khuyến nông cũng khuyên người nuôi áp dụng các biện pháp làm giảm đáng kể hàm lượng Ethoxyquin như bỏ đói tôm, thay đổi chế độ ăn một thời gian trước khi thu hoạch… để dư lượng chất này không còn trong hệ tiêu hóa của tôm.