Tham dự có đại diện Tổ chức OXFAM, Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union, Đơn vị tư vấn RECERD, cộng đồng nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nghêu trong và ngoài tỉnh Tiền Giang như Lenger Seafood, Beseaco, Sông Tiền, Ngọc Hà, Gò Đàng.
Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council), chứng nhận nuôi thuỷ sản bền vững được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng (trong đó có các thị trường khó tính như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản). Đặc điểm nổi bật của ASC là cho phép phân bổ mật độ và sản lượng nuôi theo kế hoạch nên phù hợp với nghêu tỉnh Tiền Giang.
Tỉnh Tiền Giang có nghề nuôi nghêu từ lâu, tập trung huyện Gò Công Đông với bờ biển hơn 32 km. Năm 1990, UBND tỉnh Tiền Giang đã phân lô, giao khoán Nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông cho các hộ dân và thành lập Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông để bảo vệ, phát triển. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao nên cũng trải qua nhiều thăng trầm.
Nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi). Ảnh: Báo Phụ nữ
Vào năm 2011, UBND tỉnh Tiền Giang cho triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) tại Gò Công Đông theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council)”.
Từ năm 2018, chương trình MSC nghêu tỉnh Tiền Giang tiếp tục được hỗ trợ bởi Dự án“Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM tại Việt Nam thực hiện. Thế nhưng, thực trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đã khiến nghêu chết hàng loạt. Nặng nhất là năm 2013 có trên 1.300 ha nghêu bị chết, khiến việc áp dụng chứng nhận MSC gặp nhiều khó khăn.
Sau đó, UBND huyện cùng Sở NN&PTNT tỉnh họp bàn, so sánh điều kiện thực tế của địa phương và sự phù hợp với MSC, ASC rồi quyết định chọn xây dựng ASC cho vùng nghêu Tiền Giang, trên diện tích 311 ha do Ban Quản lý Cồn bãi huyện trực tiếp tổ chức nuôi. Qua gần một năm nỗ lực, vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) đánh giá vào ngày 30, 31/8/2023 và cấp Giấy chứng nhận ASC vào ngày 7/11/2023.
Đây cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam đạt Chứng nhận ASC và là vùng nghêu thứ 4 trên thế giới được Chứng nhận ASC. Với kết quả này, sản phẩm nghêu Gò Công Đông có điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới, thúc đẩy nghề nuôi nghêu của huyện phát triển lên tầm cao mới trong tương lai.
Ông Đặng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Control Union Việt Nam trao giấy chứng nhận ASC cho đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Gò Công Đông và Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông
Huyện Gò Công Đông có khoảng 2.200 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nghêu), sản lượng hàng năm 18.000 – 20.000 tấn thương phẩm, nhưng chỉ cung cấp cho thị trường nội địa. Tại buổi lễ, các đại biểu bày tỏ, kết quả ASC sẽ được mở rộng ra cho nghêu trong khu vực.
Đó là tập trung nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất như: Môi trường nước, thức ăn trong quá trình ương nuôi nghêu giống, quy trình thu hoạch nghêu giống, nghêu thịt bằng phương tiện cơ giới, xử lý nghêu sạch trước khi bán ra thị trường tiêu thụ, sản phẩm nghêu qua sơ chế, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm nghêu đạt chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Sau phần trao giấy chứng nhận ASC đã diễn ra “Lễ ký liên kết chuỗi giá trị nghêu ASC” giữa đại diện UBND huyện Gò Công Đông, Trung tâm ICAFIS, Ban quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Đồng thời thảo luận “Thoả thuận liên kết chuỗi giá trị nghêu ASC tại tỉnh Tiền Giang” để giữ vững và phát hay giá trị trên thị trường.
Các ý kiến thảo luận cho hay, nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi), được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc. Từ quý 4/2022 đến nay, ngành thuỷ sản thế giới nói chung, ngành thủy sản và nghêu Việt Nam nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến giá thủy sản và nghêu giảm sâu, trong lúc yêu cầu của của các nước nhập khẩu ngày càng tăng. Cho nên, sự kiện nghề nghêu tỉnh Tiền Giang đạt được Chứng nhận ASC là tin vui, như một tín hiệu “phá băng” suy thoái, hy vọng giúp nâng cao giá trị sản phẩm nghêu Việt trên thị trường quốc tế.