Gặp chúng tôi sau chuyến đánh bắt xa bờ trở về, chủ tàu Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An khoe: “Chuyến biển đầu tiên, thú thật cũng chỉ “thử nghiệm” mà thôi, nào ngờ lại trúng đậm. Chỉ hơn 10 ngày ra khơi, tàu đánh bắt được gần 20 tấn cá các loại, trong đó một số có giá trị cao như chủa, thu, ngừ… Cá đưa vào bờ còn tươi nhờ bảo quản tốt, bán được giá nên thu nhập chừng 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, xăng dầu lãi gần 200 triệu đồng. Cứ mỗi chuyến đi biển chỉ cần có lãi như chuyến đầu tiên này thì không lo chuyện trả nợ ngân hàng”.
Tàu “67” của anh Phan Văn Chinh chính thức rời bến cảng Thuận An thực hiện chuyến biển đầu tiên vào ngày 15-7. Ngày tàu nhổ neo vươn khơi có sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành chức năng. Điều này cho thấy, tỉnh không chỉ quan tâm tạo điều kiện về vốn đóng tàu, mà dõi theo cả quá trình làm ăn, vươn khơi bám biển của ngư dân. Đáp lại sự quan tâm đó, anh Phan Văn Chinh chia sẻ: “Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước thì gia đình tôi chắc chắn không có chiếc tàu công suất lớn trên 700 CV để vươn khơi, bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi hứa sẽ bằng mọi biện pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm đánh bắt hiệu quả để không phụ lòng mong đợi, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành và làm giàu chính đáng”.
Hộ anh Phan Văn Chinh có truyền thống đánh bắt hải sản từ bao đời nay. Nối nghiệp cha ông, năm lên 17 tuổi, anh Chinh đã có những lần đánh bắt gần bờ, rồi dần dần “bén duyên” với nghề biển từ lúc nào chẳng hay. Đến nay, anh Chinh đã có 30 năm gắn bó với biển. Có được chiếc tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày luôn làm niềm mơ ước, khát khao đối với anh Chinh.
“Từ khi có Nghị định 67 của Chính phủ về việc cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu công suất lớn, tôi thường đến UBND thị trấn Thuận An để tìm hiểu thêm thông tin và các thủ tục vay vốn. Nhưng đóng mới chiếc tàu công suất hơn 700 CV có giá trị trên 7 tỷ đồng là điều không dễ. Nhiều đêm suy nghĩ, được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, nếu không mạnh dạn vay thì cơ hội biến ước mơ có chiếc tàu công suất lớn khó thành hiện thực”, anh Chinh tâm sự. Thế là, vợ chồng anh quyết định thế chấp chiếc tàu cũ, cộng với tài sản dành dụm khoảng 2,3 tỷ đồng… để được vay vốn ngân hàng. Anh Chinh tiết lộ: “2,3 tỷ đồng có được cũng từ tích lũy nhiều năm bám biển, đánh bắt hải sản. Nếu không có số tiền này chắc chắn sẽ không vay được ngân hàng, bởi theo quy định Nhà nước chỉ cho vay khoảng 70% giá trị chiếc tàu và chủ tàu phải có vốn đối ứng”.
Chiếc tàu của anh Phan Văn Chinh được đóng hoàn thành vào đầu năm 2015 với khối lượng gần 100m3 gỗ kiền, dài 22 mét, trở thành chiếc tàu “67” công suất lớn bằng vỏ gỗ đầu tiên không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà của cả nước. Đến ngày 15/7/2015, tàu có chuyến biển đầu tiên cách bờ biển Thuận An hơn 10 hải lý. “Có được chiếc tàu công suất lớn không chỉ là điều kiện thuận lợi để vươn khơi, bám biển dài ngày mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chuyến biển đầu tiên vừa rồi chỉ là thử nghiệm nên chưa thật sự vươn khơi. Những chuyến sau sẽ cho tàu vươn khơi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hiệu quả hơn”, anh Chinh bộc bạch.