Sau 3 ngày 3 đêm cùng ngư dân Bình Định vươn khơi câu cá ngừ đại dương, kết thúc chuyến biển, các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao tay nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định.
Sáng 9/10, 3 trong 25 tàu câu cá ngừ đại dương thuộc Đề án “Thí điểm tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, đã cập cảng cá Quy Nhơn sau 3 ngày 3 đêm thực hiện chuyến đánh bắt thử nghiệm.
Đây là chuyến đánh bắt đầu tiên bằng trang thiết bị của Nhật Bản có sự giám sát, hướng dẫn của 4 chuyên gia người Nhật cùng đi với ngư dân Bình Định.
Kết quả, chuyến đánh bắt thử nghiệm này chưa thực sự hiệu quả, bởi cả 3 tàu ra khơi, sau 3 ngày 3 đêm chỉ đánh bắt được 1 con cá ngừ. Nguyên nhân do hiện đang không phải là vụ đánh bắt chính, nước biển nóng, thêm vào đó ngư trường đánh bắt quá gần bờ (cách bờ khoảng 60 hải lý) nên ít cá.
Theo đánh giá của các ngư dân, việc vận hành các thiết bị câu của Nhật trang bị không quá khó khăn, thậm chí còn dễ. Vừa trở về chuyến biển thử nghiệm này, ngư dân Nguyễn Quê, chủ tàu BĐ 96776 TS nhận định, thao tác cũng như việc xử lý khi cá ngừ cắn câu thì thiết bị của Nhật chậm hơn với so với ngư dân câu theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, việc vận hành cá thiết bị của Nhật không quá khó.
Chủ tàu BĐ 96034 TS, anh Bùi Văn Sếp cũng nhận định, câu cá ngừ bằng thiết bị bằng Nhật khá dễ dàng. Ưu điểm lớn nhất của trang thiết bị vẫn là bộ phận Socker, bộ phận gây tê cá rất nhanh, làm cá tê liệt nhanh, không giãy giụa. Tuy nhiên, chuyến biển này mới câu được 1 con cá ngừ. Nhìn chung việc hành thiết bị này rất suôn sẻ, nhưng để đánh giá thì phải có thời gian, khi vào vụ câu cá ngừ chính mới biết được.
Theo giáo sư Keigo Ebata - giảng viên Trường ĐH Kagoshima, nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam không quá khác với ở Nhật. Tuy nhiên, để cá ngừ Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Nhật thì trước hết ngư dân phải sử dụng thuần thục thiết bị câu của Nhật trang bị. Vấn đề quan trọng vẫn là cách bảo quản cá ngừ.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, để nâng chất lượng cá ngừ đại dương và có thể thâm nhập vào thị trường Nhật Bản đó là cả một quá trình dài. Ngư dân phải sử dụng thuần thục công nghệ của Nhật trang bị. Một vấn đề quan trọng nữa, tàu cá của ngư dân phải được đóng mới, cải thiện khâu bảo quản.
Làm thế nào để chúng ta đánh bắt cá ít nhưng chất lượng cá cao đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ nguồn lợi đàn cá ngừ chung của khu vực.
Trước đó, sáng 6/10 tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định), 4 chuyên gia Nhật Bản gồm ông Keigo Ebata - giảng viên Trường ĐH Kagoshima, 3 kỹ thuật viên là ông Tesuo Kiya, Shuji Nakao và ông KeiJi Kamei, cùng cán bộ kỹ thuật thuộc Sở NN&PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cùng lên tàu cá ngư dân trực tiếp ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương.
“Các ngư dân Việt Nam có tay nghề rất cao, trình độ. Họ tiếp thu nhanh, chăm chú nghe hướng dẫn, cái gì không rõ họ hỏi lại để hiểu rõ hơn”, ông Keigo Ebata khen ngợi.