Tại lớp tập huấn, các hộ nông dân được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong các khâu như thiết kế, chuẩn bị lồng nuôi; kỹ thuật chọn, thả giống; cho ăn, chăm sóc, quản lý môi trường nước nuôi. Đồng thời, các hộ nuôi được hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên cá điêu hồng giúp nâng cao tỷ lệ sống cá nuôi, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình nuôi nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng, bè trên hồ chứa thủy lợi hoặc đập dâng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 100 m3/điểm tại các huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát và thị xã An Nhơn, qua đó hỗ trợ cho người nuôi thủy sản liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Toàn tỉnh hiện có 164 hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, tổng dung tích thiết kế 682 triệu m3, trong đó có 63 hồ chứa lớn với tổng dung tích thiết kế 640 triệu m3 do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, còn lại 101 hồ chứa vừa và nhỏ chủ yếu do địa phương quản lý. Trong đó, có khoảng 37 hồ chứa có khả năng nuôi cá lồng hồ chứa, nên tiềm năng nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh rất lớn. Việc nuôi cá lồng trên hồ chứa thủy lợi có thể nuôi quanh năm, tuy nhiên tùy điều kiện dòng chảy, biến động độ sâu mực nước trong hồ, ảnh hưởng của thời tiết mà ở mỗi hồ chứa có thể nuôi từ 1- 2 vụ/năm.