Nhiều địa phương đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa-cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho giá trị thu nhập cao hơn từ 3-4 lần so với cấy lúa.
Các cấp Hội Nông dân Ninh Bình thăm quan mô hình nuôi cá chạch sụn tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô
Đến nay, huyện Yên Mô đã chuyển đổi được trên 657ha. Trong đó trên 570 ha sản xuất cá-lúa: 29 ha ao nổi và 53 ha trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản. Nhân dân các xã có nhiều diện tích ruộng trũng như Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa… đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, thực hiện chuyển đổi ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác theo mô hình lúa- cá, kết hợp với chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho giá trị thu hoạch cao, bình quân đạt 270 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với cấy lúa từ 3- 4 lần.
Các địa phương còn triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch vùng nuôi con đặc sản; vận động nhân dân áp dụng tiến bộ KHKT và liên kết với các HTXNN trên địa bàn bao tiêu sản phẩm giúp các hộ dân nuôi thả thủy sản yên tâm đầu tư.
Để tiếp tục thực hiện đề án chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản, làm ao nổi; huyện Yên Mô chỉ đạo phòng NN&PTNT, các xã như Yên Đồng, Khánh Thượng thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, tổ hợp tác trang trại liên kết với Trung tâm giống thủy sản nước ngọt tỉnh để làm vệ tinh sản xuất và ươm giống thủy sản cung cấp cho các hộ nuôi thủy sản trong và ngoài xã; Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn KHKT, liên kết trong bao tiêu sản phẩm nhằm tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp cho người dân yên tâm sản xuất mang lại hiệu quả.