Khi mọi người chìm vào giấc ngủ say, yên tĩnh cũng là lúc chợ đêm Tuy Hòa đi vào hoạt động. Hàng trăm con người buôn bán tần tảo đã lấy đêm làm ngày làm kế sinh nhai, tạo nên một con đường không ngủ…
CON ĐƯỜNG KHÔNG NGỦ
Chiều dần buông, chợ Tuy Hòa tan, con đường Ngô Quyền tĩnh lặng và ngơi nghỉ sau một ngày dài nhộn nhịp cùng với mọi người buôn bán tất bật. Nhưng thời gian ấy cũng chỉ kéo dài đến 11g đêm, khi các chủ rau bán sỉ bắt đầu tập kết rau từ các nơi như Hòa Đa, Ngọc Lãng về. Những cây đèn sạt bắt đầu sáng bên vệ đường in đậm những bóng người đổ xuống con đường đang cần mẫn với những sọt rau trên tay. Họ sang những bó rau từ những chiếc giỏ to, căng đầy sang các bao nhỏ bỏ cho bạn hàng sỉ ở chợ Tuy Hòa hoặc các chợ khác. Đến 12g đêm, những mặt hàng rau củ khác như cà, măng tươi, khổqua… xuất hiện ngày càng nhiều. Sau khi tất cả được bày biện ngay ngắn ven đường, các chị bán hàng ngồi xích lại gần nhau tám chuyện rôm rả.
Con đường bắt đầu rộn ràng, gấp gáp hơn khi các xe la-ghim từ TP Đà Lạt bắt đầu dỡ hàng xuống trên bến xe nội tỉnh gần đó. Theo các chủ xe, loại hàng này có một lực lượng lao động đông đúc san sẻ công việc như nhau, không phân biệt nam nữ. Những người phụ nữ với đôi cánh tay khỏe khoắn thoăn thoắt chất su hào, cà rốt, cà chua… lên xe đẩy vận chuyển vào cho các bạn hàng thân quen đang chờ trên đường Ngô Quyền hay đến các xe tải nhỏ đang neo chờ chất hàng chuyển về các chợ xa. Một số lao động khác lại đang bận rộn vô hàng vào các bao nhựa lớn khoảng chừng 10kg bày la liệt trên mặt đất. Hướng ra đường Trần Hưng Đạo, cũng có những chiếc xe tải nhỏ đang chờ bốc hàng trái cây. Mặt hàng này có vẻ thuận tiện hơn khi trái cây đã được đóng gói sẵn trong các thùng cạc-tông và cũng không cần nhân công nhiều, chỉ cần một vài người khuân vác khỏe mạnh là được.
Hai giờ sau, các bàn thịt heo cũng được bày ra. Những thớ thịt heo hàng chục ký được ném thình thịch lên bàn và các chị với con dao bén nhọn nhanh chóng phân thịt theo các loại. Theo lời anh Tứ (xã Hòa Định Đông, Phú Hòa) cùng vợ bán thịt heo ở chợ Tuy Hòa gần 10 năm thì ngoài lò giết mổ ở Tuy Hòa, thịt heo còn được giết mổ nhỏ lẻ các xã trên huyện Phú Hòa rồi vận chuyển đi khắp nơi. Để ra thịt cho chợ sớm, các nhà mổ đã làm heo từ lúc nửa đêm để người thu mua sỉ chở đi tiêu thụ. Những người bán thịt heo sớm như vợ chồng anh Tứ sẽ bán thịt, lòng, giò heo cho những quán bán ăn sáng. Vì vậy, muốn có bộ lòng heo ngon nhất, các chị bán cháo, bánh hỏi lòng heo phải đi chợ giờ này để chọn mua.
Hàng cá bên trong là nơi sáng đèn nhất. Những khay hải sản tươi ngon từ làng Yến, Vạn Giã… nhìn rất mướt mắt. Nhịp độ làm việc ở đây nhanh hơn, hối hả hơn và không khí nặng mùi hơn. Có lẽ mọi người cần dào hàng gấp vào các thùng chứa đá lạnh để giữ hải sản luôn tươi ngon vì vậy họ lớn tiếng gọi nhau, thúc giục người làm nhanh tay hơn nữa. Người mua cũng gấp gáp vì cần nhanh chóng chuyển hàng đi cho kịp ở chợ sớm các vùng sâu, vùng xa.
Càng về sáng, chợ càng đông người hơn. Lúc này, đã có những người đi chợ sớm mua về cho gia đình. Họ tha hồ lựa những đồ tươi ngon và không cần phải trả giá vì được bán theo giá sỉ.
Đến 7g sáng, dù có còn hàng thì người bán cũng phải thu dọn về để nhường con đường giao thông lại cho mọi người. Lúc này, những người bán lẻ trong chợ đang bày bán những món hàng từ chợ đêm Tuy Hòa…
Ô tô vận chuyển rau củ quả về chợ nông thôn - Ảnh: H.NGUYÊN
NHỮNG NGƯỜI LẤY ĐÊM LÀM NGÀY
Những người làm việc ở chợ đêm Tuy Hòa không có khái niệm về ban đêm. Ngồi bên quán cà phê ven đường, nhấm nháp ly cà phê và nhìn mọi người đang bận rộn không ngơi nghỉ xung quanh mình, tôi cảm nhận cái mệt mỏi của việc thức đêm. Quay sang bắt chuyện với anh Hoàng (nhà ở phường 1, TP Tuy Hòa) cùng vợ bán trái cây sỉ và lẻ gần bên và được anh cho biết, dường như đồng hồ sinh học của những người làm việc như vợ chồng anh thay đổi khác với mọi người. Họ thức từ 12g đêm và làm việc đến sáng, ngày nào cũng vậy. Ngủ lúc nào ư? Lúc trưa hoặc 10, 11g tối. Có khi mắc công việc nhà hay chơi với bạn bè thì xem như ngày đó không có giấc ngủ nào.
Đối với những người nhà ở các huyện xa, họ phải bắt đầu giờ làm việc sớm hơn những người ở nội thành Tuy Hòa. Để có gần trăm ký măng tươi bán sỉ, chị Thu Lai và em trai phải rời nhà từ lúc 10g tối. Anh Giao và vợ (quê ở Hòa Đa, Tuy An) chuyên chở hàng về các chợ nông thôn và miền núi cũng phải chạy xe đến chợ trước 12g, lấy hàng và 3g xuất bến đi giao đến trưa mới về nhà. Con cái anh giao cho ông bà nội trông giúp nên vợ chồng anh cũng an tâm.
Hầu như những người buôn bán ở chợ đêm Tuy Hòa đều có vợ, chồng hoặc con cái cùng làm việc với nhau. Tối khuya họ cùng đèo hàng hóa ra chợ và làm việc. Những người buôn bán cùng một khu vực đều biết rất rõ về nhau. Cả đêm, không nghe ai lớn tiếng hay tranh giành gì nhau vì ai cũng có bạn hàng để giao hàng và bán trong khuôn viên hàng mình. Chị Hiệu ở làng rau Ngọc Lãng, TP Tuy Hòa buôn bán rau cùng chồng trên chục năm nay chia sẻ: “Vìcông việc này phải thức thâu đêm suốt sáng nên không dễ gì để tìm người làm. Tuy nhiên, người trong gia đình làm việc với nhau lại thuận lợi vì có ai ốm đau phải nghỉ, cũng có người duy trìcông việc, không mất ngày bán buôn và bạn hàng”.
“Thức khuya mới biết đêm dài” nhưng thời gian ở đây dường như đi qua nhanh lắm. Bởi trong nhịp độ lao động hăng say và luôn bận rộn, con người cũng không còn để ý về thời gian. Tôi ngồi sà vào một gánh hàng cơm ven đường cùng ăn với mọi người để tiếp thêm năng lượng. Một đĩa cơm nóng hổi với đồ ăn phong phú và chất lượng chỉ có 10.000 đồng. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bác bán hàng bảo: “Bán cho người lao động, làm sao lấy đắt được con!”.
Mỗi ngày đi qua, có được những bữa ăn đầy đủ với thịt cá và rau, tôi thầm biết ơn bao con người đang lao động cật lực và chăm chỉ, trong đó có những người tôi đã có dịp nhìn thấy, gặp và tiếp xúc ở chợ đêm Tuy Hòa.
Chợ đêm Tuy Hòa đến với du khách
Để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Tuy Hòa đến với du khách, thì chợ đêm cũng là một điểm đến thú vị để du khách có dịp trải nghiệm một nét văn hóa thuần Việt. Ngoài ra, chợ đêm Tuy Hòa không phải là nơi nguy hiểm rình rập như nhiều người nghĩ bởi phần lớn con người nơi đây vẫn giữ nét hiền lành và mộc mạc chỉ chăm chú vào công việc mưu sinh hàng ngày của mình. Khi có người lạ xuất hiện và chụp hình, ban đầu họ e ngại nhưng sau đó lại gọi nhau í ới để tập trung vào máy ảnh của tôi. Những người bạn nước ngoài không có thói quen thức dậy sớm như người Việt mình nhưng được một lần hướng dẫn đến tham quan chợ đêm Tuy Hòa, họ rất thích. Jane Clarke (quốc tịch Anh) bảo rằng: “Chính nơi đây, tôi cảm nhận đầy đủ nhất về cuộc sống của người Việt Nam với sự cần cù, tần tảo và chịu thương chịu khó. Khi thấy tôi, tất cả luôn chào đón bằng nụ cười tươi tắn và cố gắng tìm mọi cách để bắt chuyện. Điều này làm tôi có cảm giác như mình đang hòa vào cuộc sống người Việt với tình cảm chân thành và ấm áp dù giữa tôi và họ không có ngôn ngữ để giao tiếp.”