Từ một kháng sinh…
Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm tra 10% những lô hàng tôm nhập từ Việt Nam từ ngày 5-9 đến hết năm nay để xem trong mỗi con tôm có hóa chất kháng sinh Nitrofurans hay không.
Đây không phải lần đầu, tôm xuất sang Hàn Quốc bị cảnh báo có kháng sinh cấm. Năm 2013, tôm xuất sang Hàn Quốc cũng bị kiểm tra chất ethoxyquin, thời gian kiểm tra đúng 1 năm (từ 1-1-2013 đến ngày 31-12-2013).
Một thị trường thường xuyên có thông báo kiểm tra 30% rồi lên 100% lô hàng tôm nhập từ Việt Nam là Nhật và theo thời gian, danh sách các loại kháng sinh cấm bị Nhật Bản kiểm tra ngày càng nhiều. Trước đây, chỉ có một chất Enrofloxacin thì nay trong danh mục kiểm tra đã có thêm bốn chất nữa là Chloramphenicol (CAP), Sulfadiazine, Sulfamethoxazole, Furazolidone.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với Nhật Bản, ban đầu khi phát hiện có một vài lô hàng có dư lượng kháng sinh cấm, họ sẽ kiểm tra 30% lô hàng và sau đó nếu phát hiện có thêm nhiều lô hàng nữa thì sẽ nâng mức kiểm tra lên 100%. Nhật Bản chỉ giảm tỷ lệ kiểm tra xuống nếu số lượng lô hàng kiểm tra có tỷ lệ vi phạm giảm.
Cụ thể, ngày 13-9, theo thông tin từ NAFIQAD, sau một thời gian kiểm tra lô hàng và kết quả cho thấy tỷ lệ lô hàng có kháng sinh cấm đã giảm nên Nhật Bản đã có thông báo điểu chỉ tỷ lệ kiểm tra từ 100% xuống 30% cho các chất Sulfamethoxazole, Sulfadiazine, Chloramphenicol; còn Furazolidone, Enrofloxacin vẫn bị kiểm tra 100% cho đến khi có thông báo mới đối với tôm Việt Nam.
Đến kim loại nặng, độc tố sinh học
Nếu như trước đây, quốc gia nhập khẩu chỉ tập trung vào kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì nay kiểm tra thêm kim loại nặng, độc tố sinh học nằm trong danh mục phải kiểm tra của nhiều quốc gia khác nhau. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), vào thời điểm hiện tại, hầu như những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đều đã đưa tôm vào diện kiểm tra bắt buộc.
Dĩ nhiên sau sau quyết định này, xuất khẩu tôm sẽ gặp khó khăn. Theo tính toán của doanh nghiệp, nếu một container bị kiểm tra 100% một loại kháng sinh cấm nào đó, doanh nghiệp phải chi thêm vài ngàn đô la Mỹ. Thông thường, khi bị kiểm tra 100% lô hàng, thì trước khi xuất đi, lô hàng sẽ được doanh nghiệm kiểm tra; sau đó NAFIQAD sẽ kiểm tra thêm một lần nữa. Tuy nhiên, hai bước kiểm tra này vẫn chưa thể đảm bảo lô hàng an toàn và còn phải được kiểm tra bởi cơ quan chức năng của nước nhập khẩu. Đây là yếu tố quyết định chất lượng lô hàng. Vì thế, dù chi tiền để kiểm tra tại doanh nghiệp nhưng nguy cơ hàng bị trả về vẫn luôn xảy ra.
Hiện nay, con tôm không chỉ bị kiểm tra về kháng sinh, nhiều chỉ tiêu khác cũng được bên nhập khẩu đưa vào doanh mục phải kiểm tra. Nếu như hai thị trường châu Á là Nhật và Hàn Quốc kiểm tra kháng sinh cấm, thì EU đưa con tôm nói chung, thủy sản nói riêng vào danh mục kiểm tra kim loại nặng. Ở châu Đại Dương và Úc, quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam trong 5 năm qua cũng có thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng để kiểm tra độc tố sinh học và vi sinh trong sản phẩm tôm và một số sản phẩm thủy sản khác. Trong lúc đó, EU đưa chỉ tiêu kim loại nặng như một yếu tố phải kiểm tra bắt buộc vào thời điểm này.