Đây là công nghệ mới, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản mà chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất và phương tiện tàu thuyền nghề cá của nước ta. Ở những nước tiên tiến thì công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi.
* Vật liệu PU FOAM: Là nhựa tổng hợp dạng bọt cứng, được tạo thành từ hai loại chất lỏng chính bao gồm: Chất lỏng thứ nhất là Polyol, chất lỏng thứ 2 là hỗn hợp các chất polymethylene, polyphenyl và isocyanate; hai chất lỏng này nếu được phối trộn theo một tỷ lệ nhất định nhờ một thiết bị chuyên dụng, chúng sẽ giãn nở tạo thành chất FOAM cách nhiệt rất tốt.
* Ưu điểm của công nghệ đóng hầm tàu bằng vật liệu PU FOAM
Thi công nhanh
Chất lượng bảo quản sản phẩm tốt, thời gian bảo quản tăng từ 7 ngày lên trên 20 ngày, chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với tỷ lệ ướp đá là 1,5 đá : 1 cá.
Hầm trữ nước đá với tỷ lệ hao hụt dưới 5% trong thời gian 20 ngày. Vì vậy tàu được trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam sẽ chủ động thời gian lấy đá; khi tàu về bờ nếu bị ép giá có thể chưa bán vội, để vài ngày sau khi các tàu khác bán hết, giá cá nâng lên lúc đó bán được giá; khi tàu chạy từ biển khơi vào bờ không cần phải chạy nhanh mà chỉ chạy tốc độ vừa phải (thấp ga) sẽ giảm được chi phí nhiên liệu.
* Các bước tiến hành:
Đầu tiên chúng ta phải tạo khuôn để phun PU điền đầy khoang trống đó. Khuôn được tạo thành bằng cách đóng thêm một lớp tấm Composite phía trong hầm tàu để tạo thành các khoang trống với chiều dày ≥12 cm bao quanh hầm tàu. Sau đó tiến hành bơm 2 loại chất lỏng này vào khuôn bằng một máy bơm chuyên dụng. Hai chất lỏng sẽ được máy phối trộn và phản ứng với nhau giãn nở để tạo thành một chất FOAM có tác dụng cách nhiệt. Chất PU FOAM sẽ giản nở và lấp đầy các khoảng trống tạo thành một lớp PU FOAM dày ≥12 cm xung quanh hầm tàu.
PU FOAM sẽ bám chặt vào lớp ván vỏ tàu và lớp ván phía trong vỏ tàu tạo thành một khối vừa cứng, nhẹ, cách nhiệt, không thấm nước, góp phần bảo vệ vỏ tàu được tốt hơn. Lớp PU FOAM này vừa có tác dụng cách nhiệt, vừa có tác dụng tăng tính năng nổi của thân tàu và vừa bảo vệ tàu trong trường hợp tàu bị vỡ lớp ván phía ngoài vỏ tàu thì nước cũng không thể tràn vào trong khoang tàu.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi phun đầy PU FOAM vào khoảng trống ở xung quanh hầm bảo quản, chúng ta tiến hành vệ sinh làm bóng bề mặt Composite để các chất bẩn không bám bề mặt trong của hầm bảo quản.
* Những lưu ý khi đóng hầm bảo quản bằng PU FOAM
- Vách hầm phải được gia cố chắc chắn để chịu được lực nén trong quá trình phản ứng giữa 2 chất isocyanate và polyol.
- Vách hầm phải thi công kín để trong quá trình phun polyurethane không bị chảy ra ngoài gây hao hụt và kém chất lượng.
- Chiều dày của PU FOAM phải đạt ≥ 12 cm.
- Phải dùng polyurethane với tỷ trọng phù hợp.
* Nếu thi công hầm bảo quản bằng vật liệu PU FOAM không đúng quy trình công nghệ thì một số vấn đề có thể xảy ra:
- Phản ứng hóa học xảy ra không hết sẽ tạo ra chất foam không đạt chất lượng và tính năng giữ nhiệt kém.
- Pha trộn 2 chất polyurethane không đúng tỷ lệ cũng tạo ra chất FOAM không đạt chất lượng, FOAM có thể bị mềm, hoặc giòn quá, cả hai trường hợp này đều không đạt chất lượng.
- Thi công không điền đầy khoang trống, từ đó dẫn đến hầm không giữ được nhiệt, FOAM bị thấm nước và bị teo trong quá trình sử dụng.
Thi công hầm bảo quản bằng vật liệu PU FOAM đòi hỏi phải có kỹ thuật và đúng quy trình mới đảm bảo chất lượng và hầm mới có tính năng giữ nhiệt tốt. Mọi vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ cũng như giải đáp thắc mắc xin liên hệ: Phòng Khuyến ngư - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, số điện thoại: 043 7719214