Các chuyên gia nghiên cứu đã điều tra sự thu hẹp một cách khó hiểu diện tích các sông băng trên núi cao thuộc dãy Alps trong khoảng từ năm 1860-1930. Họ kết luận rằng lượng phát thải khí muội tăng cao bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa ở châu Âu là nguyên nhân khiến băng thuộc dãy Alps tan chảy.
Khi muội (bồ hóng) trong bầu khí quyển tích tụ lại trên các sông băng qua những cơn mưa, sẽ khiến sông băng tăng khả năng hấp thu nhiệt từ ánh sáng mặt trời. Lượng nhiệt hấp thu cao khiến các sông băng tan chảy và giảm dần diện tích bao phủ.
Trước đó, đặc biệt là giai đoạn từ thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ XIX, mùa Đông thường lạnh kéo dài và mùa Hè mát mẻ, nhiều mưa, giúp gia tăng diện tích các sông băng, và các nhà khoa học gọi giai đoạn này là "Kỷ băng hà nhỏ".
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Georg Kaser thuộc Viện Địa vật lý và Khí tượng tại Đại học Innsbruck (Áo), cho biết từ năm 1860-1930, cứ mỗi năm các sông băng thu hẹp trung bình 1km, mặc dù các điều kiện thời tiết vẫn thuận lợi cho việc gia tăng diện tích băng.
Kết quả nghiên cứu trên được các nhà khoa học công bố sau khi chứng minh những tác động từ hoạt động của con người đối với các dòng sông băng thông qua mô hình máy tính./.