26 năm “bềnh bồng” sóng nước!
Sau gần 30 phút quá giang ghe, tôi đến hàng đáy của ông Đặng Văn Chiều (Bảy Chiều, 56 tuổi, ở xã Giao Thạnh, Thạnh Phú), tại đầu vàm Hồ Băng Đen (một nhánh của sông Hàm Luông trên địa bàn ấp 6, xã Giao Thạnh). Đó là ngôi nhà được “cất” trên chiếc ghe, lợp lá, cột bằng gỗ tạp, trụ cố định cặp bên hàng đáy bởi 4 cái neo, và một chiếc xuồng nhỏ cập bên hông để làm phương tiện di chuyển. “Tui đã ở đây 26 năm rồi, gần chục chiếc ghe cũ được tui tận dụng bị rã xác... người ta thì đóng đáy vào nước rong, còn tui đóng suốt và chỉ chịu nghỉ khi đáy bị rách lưới phải mang lên vá lại thôi” - ông Bảy Chiều cho biết.
Vừa tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà bềnh bồng, ông vừa liên tục rọi đèn trông chừng để kịp thời đẩy rác khỏi miệng đáy. “Nếu không canh, lỡ bụp lá dừa nước hay cây cối gì trôi vào là bể đáy liền. Tui phải thức suốt đêm vì việc này” - ông nói. Trong khi đó, vợ ông vừa nấu sôi nồi nước bằng bếp lửa than. Bà châm trà mời chúng tôi, sau đó, vo gạo để nấu cơm. Trong nhà chủ yếu là lưới, vài vật dụng thiết yếu, chỗ ngủ rất hẹp, bếp ăn… tất cả được thu xếp trong chiếc ghe cũ, trọng tải chừng 3 tấn! “Vậy chén bát và lu nước uống, phơi quần áo… ở đâu?” - chúng tôi thắc mắc. “Lu nước thì gửi trên chòi tôm của người quen gần đây để hứng, hết nước trong ấm thì lên lấy; chén bát và các vật dụng nặng thì để trên cái sàn lãn cập mé sông” - ông Bảy Chiều trả lời.
Khoảng 12 giờ khuya, khi đã tháo đáy xong, ông ngồi trà đạo với chúng tôi, trong khi vợ ông rọi đèn để tranh thủ phân định giữa rác và cá, tép mà ông vừa thu hoạch được. Hít một hơi thuốc lá thật sâu, tay cầm ly trà, mắt nhìn đăm đăm ra mặt sông, ngoài trời tối đen như mực, ông trải lòng: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia về tui lấy vợ, nhưng nhà chẳng có đất đai gì để mần nên mua miệng đáy này đóng để nuôi vợ con. Suốt năm này qua tháng nọ ở trong chiếc ghe riết rồi cũng quen, nhưng vài ngày phải lên bờ vận động. Nghĩ đến 5 đứa con đã lớn khôn nhờ chiếc ghe và miệng đáy này là tui cảm thấy yêu nó đến lạ thường!...”. Ông đang say sưa kể chuyện thì vợ ông kêu lên: “Cái bọc tép này mà không có dây thun buộc lại thì ướp nước đá không được đâu ông ơi!”. Ông Bảy Chiều cười khà khà, nói: “Có đây. Tui đã giữ lại cọng dây thun khi bà cho tui túi bánh da lợn hồi sáng nè!”.
Không ngại ngược xuôi…
“Nghề đặt đú, kéo đăng như nhà tui thì rày đây mai đó, chứ ở một chỗ là thua liền” - anh Thái Lâm (ở xã Tân Trung, Mỏ Cày Nam), sống bằng nghề đặt đú, kéo đăng, giăng câu khu vực sông Băng Cung, cho biết. Chúng tôi gặp anh lúc anh đang neo ghe vào buổi chiều gần bến đò ngang (từ xã An Điền qua Tiệm Tôm) để vợ lên bờ mua thức ăn, nước uống. Theo ghe anh đến gần vàm Hồ Lát (xã Thạnh Hải) thì ghe anh cập vào cùng với hơn chục chiếc khác (mỗi chiếc là một gia đình sinh sống cũng với cái nghề “lặn hụp” như gia đình anh). Đó là một đêm trăng đầy. Sau khi đã giăng lưới xong, các ghe lại cập vào nhau, đàn bà thì nấu nướng, í ới rôm rả, đàn ông thì sum vầy bên nhau, ngồi thành hàng ngang trên mui một chiếc ghe lớn nhất để tâm tình và nhậu nhẹt. Chủ đề câu chuyện của họ xoay quanh việc mưu sinh, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt cho nhau, xen vào đó là những câu chuyện hóm hỉnh, những câu hò hay vọng cổ. Hầu hết các anh đều đã quen với cuộc sống phiêu diêu này rồi, và không có ý muốn quay lại cuộc sống trên cạn nữa.
Nước ròng sát đáy sông, tôi theo chân anh Lâm đi tháo đăng trên bãi. Những con cá đối, cá sơn, tép đất… nằm trắng hếu giãy đành đạch dưới ánh trăng. Vợ anh tha hồ bắt để vào thùng, trong khi anh thì hì hục cuốn miệng đăng (bằng lưới chỉ mùng) dài hơn 300m, đã dính đầy bùn non, nặng trịch. Muỗi cắn no nê mà đập hay tránh đều chẳng được, vì cả cơ thể anh chị dính đầy bùn! Ráng chịu đựng đến gần sáng thì công việc cũng xong, trở về chiếc ghe thì nước đã lớn có thể tắm rửa được. Mắt đã mỏi, chân đã run lên vì mệt, tất cả những chiếc ghe đều im phăng phắc, ngủ li bì đến khi mặt trời lên thì mọi người thức giấc và tìm chỗ neo ghe tránh nắng, rồi lên bờ bán những sản phẩm đêm qua kiếm được. Ngày mới bắt đầu với họ là như thế!
Một anh tên Hảo (quê huyện Ba Tri) chia sẻ: “Anh em tụi tui dốt nát, nhưng có một qui tắc chung là không đánh bắt bằng cách xiệc điện vì sợ sẽ hủy diệt hết những nguồn lợi mà thiên nhiên ban cho.