Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm mà hiện nay có nhiều mô hình sản xuất do nông dân thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình đa cây, con của ông Trần Văn Nam, ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước là một điển hình.
Với bản tính cần cù, ham học hỏi cùng quyết tâm làm giàu cho gia đình, những năm qua, ông Nam luôn tìm tòi, học hỏi nhiều mô hình sản xuất để áp dụng tại gia đình. Với hơn 1,2 ha đất sản xuất, ông áp dụng mô hình sản xuất theo hướng đa canh để mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, diện tích mặt nước ông Nam áp dụng mô hình nuôi tôm, cua kết hợp. Trên bờ ông tận dụng đất trống quanh nhà trồng rau màu và cây ăn trái.
Đầu năm 2017, sau khi tham quan mô hình nuôi chồn hương của người quen tại tỉnh Hậu Giang, ông Nam mua con giống về nuôi thử nghiệm, hơn 1 năm sau chồn sinh sản và ông bắt đầu bán chồn giống. Trung bình mỗi cặp chồn giống có giá dao động từ 4,5-5 triệu đồng, chỉ tính riêng năm 2018, lợi nhuận từ việc bán chồn giống đã mang về cho gia đình ông trên 50 triệu đồng. Ngoài nuôi chồn hương, ông Nam còn thử nghiệm nuôi cua đinh. Hiện tại, cua đạt trọng lượng từ 3-5 con/kg và ông đang bắt đầu thu hoạch.
“Thức ăn cho chồn hương là chuối và cá phi, còn cua đinh thì chủ yếu là cá phi. Đây là những loại có sẵn ở gia đình nên tiết kiệm rất nhiều chi phí. Ngoài ra, chồn hương và cua đinh rất dễ chăm sóc, cua đinh khoảng 1 tháng thay nước 1 lần, chồn hương 2 ngày dọn chuồng 1 lần nên rất thuận tiện”, ông Nam cho biết thêm.
Ông Nam chia sẻ: “Nông dân thì phải cố gắng lao động sản xuất, bản thân phải biết tham quan học hỏi nhiều mô hình sản xuất, thấy mô hình nào mang lại hiệu quả và phù hợp với gia đình thì thực hiện. Nhiều mô hình nhỏ gộp lại sẽ thành mô hình lớn, mỗi mô hình đều mang lại nguồn thu nhập nhất định, nếu biết chi tiêu, tích góp, cuộc sống sẽ ổn định hơn”.
Ngoài mô hình đa cây, con của hộ ông Trần Văn Nam, hiện nay ở xã Tân Hưng còn có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với nuôi cua thương phẩm, nuôi gà nòi lai, trồng dừa xiêm lùn… Tuy đây không phải là mô hình mới nhưng phù hợp với điều kiện của người dân địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Trần Thị Trúc Khương cho biết, để việc sản xuất của người dân đạt hiệu quả, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, hạn chế rủi ro. Đồng thời, hội cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, hội tích cực vận động hội viên thành lập quỹ hùn vốn để hỗ trợ người dân sản xuất. Đến nay, hội đã huy động vốn nội lực trên 300 triệu đồng, luân phiên cho hàng trăm lượt hội viên vay để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, năm 2019, có 5 hội viên nông dân thoát nghèo.
Để mô hình sản xuất của nông dân thật sự đạt hiệu quả và bền vững, không chỉ đòi hỏi những đổi thay từ phía nông dân, mà còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ngành có liên quan nhằm xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà. Từ đó cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả, đầu ra ổn định để nông dân an tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.