PHONG PHÚ VÀ GIÀU BẢN SẮC
Trong các lễ hội miền biển và sông nước, lễ hội cầu ngư được xem là lễ hội truyền thống lâu đời tiêu biểu của người dân ven biển Phú Yên. Ngư dân thành kính tôn cá Voi là cá Ông thờ cúng nghiêm cẩn. Chính vì thế mà tất cả các làng chài ven biển từ TX Sông Cầu đến huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa có đến gần 50 lăng thờ cá Ông.
Nghi thức cầu ngư bao gồm phần tế lễ được thực hiện long trọng với vật tế và cáo tế đầy đủ, nghiêm ngặt. Sau phần lễ là phần hội, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí diễn ra hấp dẫn, trong đó không thể thiếu phần hát tuồng (hát bội) và các trò chơi dân gian khác như: hô bài chòi, đua thuyền, lắc thúng chai, vật tay… Ở Phú Yên, tiêu biểu có các lễ hội: Lễ hội cầu ngư ở xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu), Lễ Cầu ngư ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây (Tuy An), Lễ cầu ngư của vạn chài Long Thủy, xã An Phú, Lễ cầu ngư lạch Bình Lợi, phường 4 (TP Tuy Hòa), Lễ hội cầu ngư ở Phú Thọ I, Phú Thọ III (Đông Hòa)…
Ông Phạm Cuộc, Phó lạch Long Thủy cho biết: “Lễ hội cầu ngư bao giờ cũng thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh lâu đời thể hiện lối ứng xử đầy tính nhân văn giữa con người với thần linh, là dịp tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng, làng xã”.
Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ hội sông nước khác phản ánh sinh động sinh hoạt tinh thần của cư dân nông - ngư nghiệp Phú Yên. Các lễ hội phát sinh hiện đại cũng đã phục vụ kịp thời nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Tiêu biểu có Lễ hội sông nước Tam Giang (TX Sông Cầu). Tuy mới ra đời từ năm 2005, nhưng lễ hội này diễn ra với quy mô lớn thu hút đông đảo người dân ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thị xã tham gia. Lễ hội đua thuyền Đầm Ô Loan (Tuy An) tổ chức vào mùng 6-7 tháng Giêng, với quy mô cấp tỉnh, lôi cuốn đông đảo nhân dân khắp nơi ở Phú Yên đến thưởng ngoạn.
Lễ hội đua thuyền trên sông Đà Rằng được tổ chức vào sáng mùng 7 tháng Giêng hàng năm tập trung hàng vạn người xem. Đây là dịp bà con vui xuân trẩy hội, thưởng lãm nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng sông nước TP Tuy Hòa.
Lễ cúng bến nước mang đặc trưng của các dân tộc Ê Đê, M’Dhur, Chăm H’roi, Ba Na ở Phú Yên. Lễ này được tổ chức hằng năm sau mùa thu hoạch để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân…
Ông Nguyễn Trần Vỹ, Sở VH-TH-DL Phú Yên, thành viên nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu đặc trưng lễ hội miền biển và sông nước Phú Yên” cho biết: Các lễ hội miền biển và sông nước Phú Yên phản ánh văn hóa tinh thần, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các lễ hội mang lại giá trị cân bằng đời sống tâm linh, gắn kết cộng đồng, bảo tồn các giá trị lịch sử, địa lý, văn hóa của cư dân nông, ngư nghiệp Phú Yên từ bao đời nay.
HƯỚNG PHÁT HUY
Sự cần thiết bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của lễ hội miền biển và sông nước Phú Yên trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân là điều mà ngành Văn hóa Phú Yên vẫn còn nhiều trăn trở. Nhằm nâng cao chất lượng lễ hội miền biển và sông nước, ngành Văn hóa đang tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, ngành cũng đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các nhà đầu tư khai thác nguồn lực của toàn xã hội cho việc tôn tạo, bảo tồn di tích; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả.
Nhằm chú trọng đến việc chọn lễ hội tiêu biểu để bảo tồn và phát huy, ngành Văn hóa đã có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh cho phép chọn Lễ hội cầu ngư tại lăng Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa là lễ hội cầu ngư tiêu biểu của tỉnh (ở các địa phương khác chọn lễ hội cầu ngư tiêu biểu cấp huyện); từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp thành lễ hội tiêu biểu cấp tỉnh tổ chức thường xuyên hàng năm, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần thiết phải phát huy giá trị lễ hội miền biển và sông nước với phát triển du lịch bền vững. Du khách là đối tượng quan trọng mà các lễ hội cần phải hướng tới trong tương lai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, sắp xếp dịch vụ vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động dịch vụ, không tạo kẽ hở nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, làm mất đi bản sắc văn hóa và ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.