Đặc sản ở đảo
Rong biển có tính mát, là nguồn thực phẩm ngon ở xứ đảo Tam Hải được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi mùa rong biển thường kéo dài 3 - 4 tháng, giúp phụ nữ làng biển thu nhập từ 15 - 20 triệu/tháng vào vụ chính. Chị Đỗ Thị Hoa Mai (thôn Thuận An) cho biết, rong biển thường mọc trên các bãi đá giăng, hoặc gần các bãi đá; các bãi đá ở đảo Hòn Dứa, Hòn Than. Muốn hái rong người ta phải chờ đúng thời điểm thuận lợi. Mùa đông là thời điểm hái rau mứt; mùa hè là thời điểm của rau câu, rau xoa, rau đá, rau xá. Người hái rong phải xem theo mùa và phụ thuộc vào mức độ con sóng to, sóng nhỏ, lúc triều lên và triều xuống mà lặn hái...
Phần lớn thương lái lựa chọn rong tươi sau những buổi trở về từ biển của người hái về phơi khô, đóng gói đưa đi các nơi. Du khách chỉ có thể mua được rong khô đã đóng gói, rong đã qua phiếu (lọc, làm sạch) có giá cao hơn. Rong mứt ở Tam Hải có giá cao nhất, tầm 3 - 3,5 triệu đồng/kg khô, rau xóa 300 - 400 nghìn đồng/kg khô, rau câu tươi chưa qua sơ chế có giá 30 - 50 nghìn đồng/kg, rau chân vịt (rau đá) chưa sạch có giá 170 - 200 nghìn đồng/kg… Theo bà Huỳnh Thị Tùng (thôn Đông Tuần), năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lạnh ít khiến sản lượng rong mứt ít hơn mọi năm. Thường các năm, mùa rong mứt kéo dài từ tháng 10, 11 âm lịch kéo dài tới tận tháng Giêng, tháng Hai, song đầu Giêng rong mứt đã khan hiếm, giá nhảy vọt vẫn không đủ cho thị trường. Bù lại, loài rau xoa dùng để chế biến món xu xoa ở đảo thì nhiều vô kể do thuận trời, mùa rau lại đến sớm hơn mọi năm và kéo dài tới cuối mùa hè…
Đăng ký nhãn hiệu
Theo cư dân ở đảo, rong biển có nhiều công dụng và cách thức chế biến. Phần lớn các loại rong đều có thể sử dụng tươi nguyên chất cho hương vị đặc trưng, thơm ngon hoặc phơi khô sử dụng lâu dài. Rau xoa dùng để chế biến thức ăn, để nấu xu xoa; rau mứt (có màu đen đậm) có thể nấu canh kết hợp với tôm, thịt, xương, nấu súp đều rất ngon. Rau đá cũng như rau xoa là món ăn vặt giải nhiệt vào mùa hè. Rau cau có màu xanh pha vàng thường nấu các món như trộn gỏi, luộc chấm với mắm ruốc. Rong mơ (màu xanh đậm) dùng để nấu nước uống thanh nhiệt. Rau đá cũng như rau xoa, là món ăn giải nhiệt vào mùa hè.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, toàn xã đảo hiện có 150 hộ sản xuất, kinh doanh rong mứt và nhiều loại rong có giá trị. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Sở KH-CN, các hộ nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh rong mứt tại xã đảo tổ chức các buổi thảo luận, lấy ý kiến cộng đồng về đăng ký, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Rong mứt Bàn Than". Hội Nông dân huyện Núi Thành được giao nhiệm vụ là tổ chức tập thể làm chủ sở hữu nhãn hiệu này, sau này sẽ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho cộng đồng. "Địa phương đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị xác định vùng địa danh mang nhãn hiệu này; xây dựng quy chế, quản lý sử dụng nhãn hiệu rong mứt và thiết kế logo cho sản phẩm. Cùng với đó, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm, đa dạng mẫu mã bao bì chủng loại sản phẩm. Mục tiêu là bảo hộ sản phẩm rong mứt, giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, góp phần phát triển thương hiệu rong biển xã đảo. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là sản lượng rong mứt chủ yếu khai thác tự nhiên, còn phụ thuộc nhiều về thời tiết, giá cả rất cao song vẫn không đủ cung ứng. Mỗi năm, cư dân chỉ khai thác được vài tấn rong tươi tương ứng với 2 tạ rong khô, sản lượng còn nhỏ giọt" - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải) cũng đã có dự án trồng thử nghiệm rong nho, kết quả ban đầu khá tốt, người dân rất hưởng ứng nhưng câu chuyện giá cả và đầu ra còn nan giải. Một phần, sản phẩm rong nho tạo ra chủ yếu ở dạng thô, ngư dân khai thác rong bán tươi tại chỗ hoặc phơi khô mà chưa qua chế biến, chưa có bao bì, gắn nhãn mác, có mã vạch giúp truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm rất khó vào các thị trường lớn, vào siêu thị vốn yêu cầu khá nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.