Đầm Bến Gỏi… kêu cứu

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát vô tội vạ để lấp đìa, xây dựng hồ nuôi tôm trên bạt tại khu vực đầm Bến Gỏi (thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã khiến nơi này cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều đáng nói, một số điểm khai thác cát chưa được cấp phép, nhưng chính quyền địa phương đã “linh động” để các cá nhân vượt rào quy định của UBND tỉnh.

khai thac cat
Việc khai thác cát quá mức khiến nguy cơ cát bay và xâm thực đất của người dân càng cao.

Tan hoang đồi cát

Những ngày vừa qua, tại khu vực đồi Cô Đơn, Dốc Dỡ (thuộc thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ) lúc nào cũng rầm rập xe cộ khai thác cát. Dọc tuyến đường đi qua đầm Bến Gỏi, cát vương vãi khắp nơi, hàng chục xe tải lớn nhỏ ngày đêm vận chuyển cát về lấp các đìa tôm cũ để xây dựng các hồ nuôi tôm trải bạt ở trong đầm. Tại một điểm khai thác cát thuộc khu vực Dốc Dỡ, 2 máy múc liên tục hoạt động hết công suất mới phục vụ kịp cho các xe tải đang chờ lấy cát. Đồi cát thoai thoải trước kia, nay đã bị khoét sâu nhiều mảng lớn, hàng ngàn mét khối cát đã được lấy đi. Khi chúng tôi tiếp cận, một vài tài xế đứng ra ngăn cản, tỏ thái độ hậm hực và không đồng tình khi chúng tôi chụp hình. Một tài xế nói: “Chúng tôi chỉ là người chở cát thuê, việc khai thác phải đi hỏi ông chủ. Muốn hỏi gì cứ bảo xã dẫn xuống đây…”.

Theo quan sát của chúng tôi, tại thôn Tuần Lễ hiện có tới 5 địa điểm đang bị khai thác nham nhở. Trong đó, 1 điểm tại khu vực đồi Cô Đơn, 4 địa điểm còn lại thuộc khu vực Dốc Dỡ. Ở tất cả các điểm khai thác, lượng cát bị lấy đi rất lớn, nhiều điểm taluy cao gần 20m. Tầng cây bụi và hàng chục cây lớn bị phá bỏ hoàn toàn, để lại một bãi cát dài trơ trọi. Được biết, việc khai thác cát tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ là chủ trương của chính quyền địa phương. Trong tờ trình lên Sở Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh, UBND huyện Vạn Ninh đã xin phép cho người dân được phép khai thác cát ở những khu vực đồi cát đang xâm thực đất sản xuất, nhằm mục đích lấp các đìa nuôi tôm truyền thống (nuôi tôm bằng đìa đất), cải tạo thành hồ nuôi tôm trải bạt. Bà Phan Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: “Việc khai thác cát của các hộ dân nuôi tôm không có gì sai, Sở Tài nguyên Môi trường đã cho phép làm việc này. Toàn bộ cát được lấy đi là cát bay đã xâm thực đất sản suất của người dân. Đa số những người dân ở khu vực khai thác cát đều đồng tình, vì làm như vậy sẽ tránh được nguy cơ cát vùi lấp nhà cửa của họ. Ở các khu vực này năm nào cũng bị cát xâm lấn. Địa điểm và diện tích cát được lấy cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và phê duyệt”.  

Thế nhưng, khi gặp những gia đình ở cạnh khu vực khai thác cát, chúng tôi lại nhận được khá nhiều phản ứng trái chiều. Đa phần người dân ở gần các đồi cát đều không đồng tình với việc khai thác cát như hiện nay vì xâm hại nghiêm trọng đến môi trường. Bởi lẽ, các hộ nuôi tôm đã lấy một khối lượng cát quá nhiều, gây nguy cơ mất an toàn cho cuộc sống của họ khi mùa mưa bão cận kề.

Ngay sau khi UBND xã cho phép các cá nhân lấy cát ở khu vực đồi Cô Đơn, đã có nhiều người dân đứng ra ngăn cản. Ông Trần Gốc (người dân thôn Tuần Lễ) bức xúc: “Đây là khu vực gần biển, UBND xã lại cho lấy cát như vậy thì thật nguy hiểm. Từ bao đời nay, đồi Cô Đơn là bức bình phong để chắn gió, chắn bão cho chúng tôi. Giờ họ xới tung cả một khoảng đồi lên để lấy cát thì không biết mùa mưa bão năm nay sẽ như thế nào”. Trái với ý kiến lãnh đạo địa phương, ông Phạm Thuận (người dân thôn Tuần Lễ) cũng khẳng định: “Khu vực đồi cát ở thôn Tuần Lễ lâu nay không có cát tràn vào. Việc cát bay, xâm thực vào đất của người dân đã xảy ra từ cơn bão năm 1974. Lâu nay đồi cát ở đây rất ổn định và được cây cối che phủ. Bây giờ họ cho khai thác cát, phá hủy hết hiện trạng cây nguyên thủy đang che phủ nên rất nguy hiểm cho các hộ dân. Nếu họ khai thác ít thì không nói làm gì, nhưng ở đây khai thác quá mức thì không chấp nhận được”.

Ẩn họa từ những đìa tôm trải bạt

Những hồ nuôi tôm trải bạt này hàng ngày đang xả hàng tấn chất thải ra môi trường.
Những hồ nuôi tôm trải bạt này hàng ngày đang xả hàng tấn chất thải ra môi trường.

Không chỉ lo về việc khai thác cát quá mức, gây nguy cơ mất an toàn, những người dân ở khu vực đầm Bến Gỏi còn phải đối mặt với một nguy cơ khác đến từ việc nuôi tôm trên bạt đang phát triển một cách ồ ạt. Việc chính quyền địa phương có chủ trương cho lấy cát lấp đìa, xây dựng hồ nuôi tôm trải bạt đã vô tình đẩy diện tích nuôi tôm trải bạt tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2012, khu vực thôn Tuần Lễ chỉ có 9ha đìa tôm trải bạt, đến thời điểm hiện tại diện tích này đã tăng lên 17ha. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết khu đìa tiếp giáp con đường Cổ Mã - Đầm Môn về phía Nam đã và đang được chủ đìa đầu tư chuyển từ đìa đất thành đìa trải bạt để nuôi tôm. So với hình thức nuôi tôm bằng đìa đất truyền thống, việc nuôi tôm trải bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là nguồn nước để nuôi tôm không phải được dẫn từ biển vào mà tất thảy đều được chủ đìa lấy tại chỗ thông qua hệ thống giếng khoan, với độ sâu trên dưới 15m. Việc  bơm nước vô tội vạ phục vụ nuôi tôm trải bạt đã ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu vực. Biểu hiện đầu tiên là nguồn nước giếng của hàng chục hộ dân thôn Tuần Lễ đã bị khô cạn hoặc bị nhiễm mặn không thể sử dụng. Bà Ngô Thị Tốt (nhà gần khu đìa tôm) bức xúc: “Tôi sống ở đây mấy chục năm, nhưng vài năm nay mới thấy cảnh giếng nước khu vực này bị khô cạn. Mấy chục cái giếng khoan của các đìa tôm cứ bơm suốt ngày đêm thì làm gì mà giếng đào của dân còn nước. Giếng đào trơ đáy, tôi phải khoan 2 giếng khác nhưng nước đều bị nhiễm mặn, không thể dùng được”. Trưởng thôn Tuần Lễ cũng xác nhận việc nhiều hộ dân trong khu vực không còn nước giếng để sinh hoạt và nhận định, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ việc hút nước ngầm của các đìa nuôi tôm trải bạt trong khu vực. “Tổng diện tích đìa tôm trải bạt khoảng 17ha, mực nước trung bình mỗi hồ khoảng 1,4m, mỗi ngày thay nước 2 lần thì tổng khối lượng nước ngầm họ bơm lên hàng ngày lớn khủng khiếp. Khoảng 6 tháng nay, khi đìa tôm trải bạt hình thành ồ ạt, nhiều hộ trong thôn không còn nước giếng để sinh hoạt. Không chỉ vậy, chất thải từ các đìa tôm này đều được xả trực tiếp ra biển khiến nước biển ven bờ trong khu vực bị ô nhiễm, nỗi váng, bốc mùi hôi thối”, ông Nguyễn Thành Lễ nói.

gieng khoan
Dùng giếng khoan để lấy nước nuôi tôm khiến nước ngầm bị cạn kiệt.

Đánh giá về nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngầm ở khu vực nói trên, ông Bùi Minh Sơn - Trưởng Phòng Nước và Khí tượng Sở Tài nguyên Môi trường cho biết: “Nguồn nước ngầm bơm lên để nuôi tôm là nước chà 2 (nước lợ), nó là tầng đệm nằm dưới tầng nước ngọt và trên tầng nước mặn. Chính vì thế, nếu khoan thủng tầng đệm này và khai thác đến mức độ nào đó sẽ dẫn đến việc tầng nước ngọt phía trên bị tụt xuống, đồng thời nước mặn từ tầng dưới thẩm thấu lên gây ô nhiễm nguồn tầng nước ngọt. Đặc biệt, nguồn nước ngầm ở khu vực bán đảo Hòn Gốm không phải nằm trong các khe nứt dưới lòng đất như ở các khu vực khác, mà nằm xen kẽ ngay trong các lớp địa tầng nên quá trình thẩm thấu nói trên càng rất dễ xảy ra”. Ông Sơn cho biết thêm, hiện tại ở bán đảo Hòn Gốm chỉ có một doanh nghiệp được cơ quan chức năng cho phép khai thác nước ngầm để xây dựng công trình tại chỗ, những trường hợp khác đều đang khai thác nước ngầm trái phép.

Quản lý lỏng lẻo

Mặc dù việc khai thác cát để làm đìa nuôi tôm trên bạt có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh, song qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương đang quản lý khá lỏng lẻo vấn đề này. Dù công văn 4210/UBND-KT ngày 16-7-2012 của UBND tỉnh và công văn 1420/STNMT-KS ngày 30-7-2012 của Sở Tài nguyên Môi trường đã giao việc khai thác cát cho chính quyền địa phương quản lý. Ông Nguyễn Ngọc Thông - cán bộ địa chính, xây dựng xã Vạn Thọ thừa nhận: “Vì thiếu người nên không có người giám sát thường xuyên việc khai thác cát. Khi người dân chuẩn bị nâng cấp đìa, xã và huyện xuống kiểm tra khối lượng dự kiến, đến khi hoàn thành chúng tôi mới xuống nghiệm thu khối lượng”. Chính vì sự quản lý thiếu chặt chẽ nên ở tất cả các điểm khai thác, diện tích cát bị lấy đi lớn hơn nhiều so với cho phép. Trong hướng dẫn, Sở Tài nguyên Môi trường chỉ cho phép lấy cát trong khoảng cách tối đa là 30m (tính từ khu dân cư đến phía Đông đồi cát), nhưng điểm nào cũng bị khai thác sâu về phía Đông khoảng gần 60m. Người dân sau khi khai thác xong, đều để lại hầm hố nham nhở và các taluy có độ dốc rất cao. Nghiêm trọng hơn, dù chỉ được phép khai thác 3 địa điểm, song chính quyền địa phương đã “xé rào” cho người dân lấy cát ở 2 điểm mới dù chưa được UBND tỉnh cho phép. Bà Phan Thị Tuyết Nhung giải thích: “Các điểm khai thác cho phép đã hết cát, trong khi đó còn lại 4 hộ dân đang nâng cấp dở dang nên chúng tôi đã làm tờ trình để xin khai thác thêm. Tuy chưa được tỉnh đồng ý, nhưng xã “linh động”giải quyết cho người dân lấy cát ở 2 điểm mới để thi công kịp trước mùa mưa bão”. Sự “linh động” của địa phương ở 2 địa điểm khai thác mới đã khiến cho rừng dương tại khu vực Dốc Dỡ bị xâm hại.

Biết được thông tin này, ông Nguyễn Thanh Minh - Phó Phòng Khoáng sản - Địa chất Sở Tài nguyên Môi trường phản ứng: “Khai thác cát ở những địa điểm chưa được phê duyệt là sai. Hiện Sở chưa nhận được công văn xin duyệt thêm địa điểm khai thác cát của huyện Vạn Ninh. Trong tuần tới chúng tôi sẽ cử đoàn kiểm tra để kiểm tra lại tình hình khai thác cát ở đây”.

Việc khai thác cát đã vậy, Phòng Tài nguyên Môi trường của huyện cũng xem nhẹ tình trạng ô nhiễm của việc nuôi tôm trên bạt. Họ cho rằng, mức độ ảnh hưởng của mô hình nuôi tôm trên bạt là không đáng kể; nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ngầm là khó xảy ra. Với thái độ khá hời hợt của các ban, ngành địa phương trước ẩn họa từ việc khai thác cát và nuôi tôm trên bạt mang lại, người dân ở xung quanh khu vực đầm Bến Gỏi chắc chắn sẽ còn tiếp tục phải gánh chịu những hệ quả nặng nề hơn.

Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trương của Sở là không khuyến khích mô hình nuôi tôm trên bạt. Mô hình này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dù đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, song không vì lợi ích cho một nhóm người mà chúng ta để ảnh hưởng chung đến lợi ích của cộng đồng. Có nhiều địa phương khác nuôi tôm trên bạt trước chúng ta và họ đã phải trả giá. Đây chính là bài học nhãn tiền để chúng ta rút kinh nghiệm.

Ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Vì thấy người dân nuôi tôm trên bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên huyện tạo điều kiện để người dân lấy cát bay để nâng đìa. Theo cấp phép UBND tỉnh thì chỉ được khai thác cát ở 3 điểm, 2 điểm mới khai thác là do người dân khai thác trái phép. Sắp tới, UBND huyện sẽ kiểm tra lại thực trạng ở những điểm khai thác trái phép. Hiện chúng tôi đang làm tờ trình xin UBND tỉnh cho phép khai thác thêm để những hộ dân đang nâng cấp dỡ dang hoàn thành công trình. Chủ trương của UBND huyện chỉ cho phép nuôi tôm trải bạt trên diện tích đang làm và sẽ không cho làm thêm diện tích mới.

Báo Khánh Hòa
Đăng ngày 18/09/2013
Đình Lâm - Thế Anh
Môi trường

Việt Nam hướng đến ngăn ngừa rác thải ngư cụ

Chính phủ Đức đã tài trợ cho trường Đại học Ostfalia (Đức) phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam thực hiện Dự án REVFIN, đây là dự án nghiên cứu và phát triển mới nhằm ngăn chặn rác thải ngư cụ ở các vùng ven bờ biển Việt Nam.

Môi trường biển
• 10:34 09/12/2024

Ngành thủy sản Việt Nam trước những quy định mới của EU năm 2025

Liên minh châu Âu (EU) luôn là thị trường lớn và quan trọng với những sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ từ Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2025, EU sẽ áp dụng những quy định mới về bảo vệ môi trường đối với ngành thủy sản, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và sự bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Môi trường ao nuôi
• 11:26 02/12/2024

Sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản

Men vi sinh (probiotic) là các vi sinh vật có lợi, khi được bổ sung vào môi trường nuôi trồng thủy sản, giúp cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức khỏe của động vật thủy sản và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Ao nuôi tôm
• 10:55 20/11/2024

Tổng hợp các phương pháp kiểm soát nguồn gốc chất thải

Kiểm soát nguồn gốc chất thải thủy sản đặc biệt là nuôi tôm là một khâu quan trọng trong quản lý chất thải, nhằm xác định nguồn phát sinh, loại chất thải, lượng chất thải và các thông tin liên quan khác. Các phương pháp này giúp chúng ta có những biện pháp xử lý và giảm thiểu chất thải hiệu quả hơn.

Nguồn gốc chất thải
• 09:42 14/11/2024

Loài cá được mệnh danh là "phù thủy" dưới đại dương

Cá mặt quỷ không chỉ được thiên nhiên “ưu ái” ban tặng một vẻ ngoài “ma chê quỷ hờn” mà còn sở hữu thêm kỹ năng ngụy trang và phản công bằng nọc độc vô cùng đáng sợ hệt một phù thủy thực thụ dưới đại dương.

Cá mặt quỷ
• 16:35 10/01/2025

Nâng cao công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản

Hiện nay công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản đang tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tàu cá
• 16:35 10/01/2025

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2025

Ngày 03/01/2025, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhá tôm
• 16:35 10/01/2025

Giải pháp vi sinh giảm thiểu khí độc trong ao nuôi

Các khí thường xuyên xuất hiện trong ao nuôi tôm, đặc biệt khi chất hữu cơ tích tụ và quá trình phân hủy xảy ra mạnh mẽ. Những khí độc này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tôm mà còn làm giảm năng suất nuôi.

Tạt vi sinh
• 16:35 10/01/2025

Xử lý dịch bệnh không dùng kháng sinh trong nuôi tôm

Nuôi tôm là một ngành kinh tế quan trọng, nhưng cũng đầy thách thức khi dịch bệnh thường xuyên xuất hiện, đe dọa năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ
• 16:35 10/01/2025
Some text some message..