Cóc là cây thân gỗ, dễ trồng. Ở nước ta loại cây này được trồng hoặc mọc sống tự nhiên khắp các vùng miền. Người ta trồng cóc là để lấy trái chứ không phải lấy lá. Thế nhưng từ lâu, người dân miền núi đi làm đồng thường hái lá cóc non để nấu canh chua. Món này ăn thấy ngon nên tiếng vang dần xa, và ngày nay nó được nhiều người biết đến như một đặc sản quê nhà.
Để nấu canh chua lá cóc ngon, phải chọn hái lá đọt cóc non. Hái cả cọng và lá vì cọng non rất giòn, lá có vị chua nên nấu nồi canh sẽ đậm đà. Lá cóc chuẩn bị xong, tùy thích mà có thể chọn các loại thịt phù hợp nhưng ngon nhất là nấu với các loại hải sản, mà cá lạc, cá cờ, cá lóc, cá dò… vì những loại cá này có chất tanh thì nồi canh chua mới độc đáo.
Trước hết cần phi hành, cho cá vào nồi cho chín săn rồi đổ nước vào nấu cho sôi chín cá. Lúc này có thể cho thêm củ sả đập dập để cho nước có mùi thơm. Khi phần cá hoặc thịt đã chín, người nấu dùng tay vò nhẹ phần đọt lá cóc đã chuẩn bị rồi bỏ vào nồi. Lúc này lá cóc từ màu xanh chuyển sang màu vàng. Ta cho thêm ít ớt và nêm gia vị, lập tức nồi nước sẽ chuyển sang một mùi thơm dịu ngon lành.
Người ta thường bảo, món canh chua chúng ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi. Đúng thế, canh chua lá cóc nấu với các loại cá múc ra có lấp loáng màu của váng mỡ, có màu đỏ của ớt, màu vàng của lá cóc và màu của thịt cá tươi nguyên, tạo thêm đẹp mắt, hài hòa, với nhiều màu sắc.
Mùi vị của lá cóc chua, thanh tao, ngon ngót sẽ làm cho người ăn dễ chịu, lạ miệng kích thích dạ dày làm bữa ăn thêm ngon, khác với mùi vị của các loại lá giang, lá é. Nước canh vừa chua vị chua của lá cóc, vừa cay nồng hương vị ớt vừa nồng nàn hương vị cá tác động vào mọi giác quan, làm cho người ăn sẽ có cảm giác ngon, no như ý.
Ăn món canh chua lá cóc, gợi cho những người xa quê bao nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ về tuổi thơ và nhớ về những người lao động nghèo chân chất ở quê.