Dân bị lấy mất kế sinh nhai
Theo những hộ kinh doanh, các hộ này buôn bán làm ăn tại bãi Vũng Tàu từ cách đây hơn 15 năm nay. Sau đó, khi nhà địa phương có chủ trương cho các hộ vào làm ăn buôn bán tập thể để phục vụ du khách ngày một tốt hơn, các hộ chấp thuận tham gia vào hợp tác xã du lịch Vũng Tàu, đến nay cũng được 6 năm.
Anh Cao Hoàng Minh (34 tuổi), thuộc tổ số 2, hợp tác xã du lịch Vũng Tàu phản ánh: "Về các mặt hàng hải tươi sống thì phải nấu hoặc nướng tại chỗ mới đáp ứng được yêu cầu của khách, nhưng vừa qua hợp tác xã không cho chúng tôi nấu nướng tại chỗ mà phải quy hoạch vào các kho để đảm bảo không khói lửa, ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng đã triệt để chấp hành dựng kho riêng để nấu nướng. Tuy nhiên, chưa được bao lâu, hợp tác xã lại không cho đun-nấu -nướng mà lại bắt chúng tôi đem ra khỏi khu vực bãi biển. Các mặt hàng này mà không cho nấu nướng trước mặt du khách thì rất khó cho chúng tôi".
Một xã viên khác cho rằng, nếu nói các hộ xả rác mất mỹ quan thì không đúng. Bởi lẽ, hàng tháng, các hộ vẫn đóng tiền vệ sinh môi trường đầy đủ, và cũng thu dọn rác sạch sẽ khi kinh doanh. Đây là kế sinh nhai của các hộ dân, nhưng bây giờ cho bán mà không cho nấu nướng thì khách nào chịu mua…
Về việc này, anh Nguyễn Văn Định (28 tuổi, du khách đến từ Long An) cho biết: Việc đi du lịch ăn uống dưới bãi biển là bình thường, đó là điều du khách mong muốn. Đồ ăn tươi sống, rất ngon. Nhưng mình phải tự lựa chọn đồ ăn tươi sống và thấy họ chế biến đồ ăn mới tin. Nếu mang đi chỗ khác, họ tráo đồ ăn của mình thì sao?
Ngược với ý kiến trên, chị Võ Thị Hiền (du khách đến từ TP HCM) lại cho rằng: Việc không cho phép nấu nướng kinh doanh ăn uống dưới bãi biển hoặc công viên là đúng đắn. Theo chị không chỉ riêng biển ở Vũng Tàu mà nói chung biển ở Việt Nam rất đẹp. Tuy nhiên, hiện nay môi trường biển của chúng ta đang bị ô nhiễm và bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh doanh ăn uống tại bãi biển. Còn về vấn đề chất lượng ăn uống, nếu gian hàng nào kinh doanh gian dối thì sẽ có pháp luật trừng trị, và chắc hẳn du khách sẽ không tới những gian hàng đó nữa.
Dân buôn bán hải sản trên bãi biển Vũng Tàu kêu cứu.
Kiên quyết xử lý buôn bán trên bãi biển
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Hường- PCT UBND TP.Vũng Tàu cho biết, các cơ quan chức năng của TP.Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra, rà soát và lên kế hoạch chấn chỉnh hoạt động du lịch tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 40 hộ kinh doanh ăn uống tại Bãi Sau tiến hành tự tháo dỡ những căn nhà tôn lấn chiếm hành lang bờ biển, số còn lại, TP.Vũng Tàu sẽ tiếp tục vận động tháo dỡ. Trong trường hợp các hộ không tự tháo dỡ sẽ tiến hành cưỡng chế.
Đối với các hộ kinh doanh ăn uống nấu nướng đồ ăn dưới bãi biển, chủ trương của TP.Vũng Tàu kiên quyết xử lý triệt để, sẽ tiến hành cấm không cho nấu nướng, kinh doanh ăn uống vì đây là một trong những hoạt động làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường và hình ảnh du lịch của TP.Vũng Tàu.
Trong thời gian tới TP.Vũng Tàu sẽ chủ trương kinh doanh ghế, dù, phao tắm, chứ không để tình trạng nấu nướng ăn uống dưới bãi biển hay trên công viên. “Không chỉ riêng các hộ kinh doanh ăn uống, nếu du khách nấu nướng ăn uống và xả rác ra bãi biển, công viên cũng sẽ bị xử phạt” - bà Hường nói. Hiện ở TP.Vũng Tàu có 4 hợp tác xã kinh doanh đồ ăn uống trên bãi biển và trên bờ, riêng hợp tác xã du lịch Vũng Tàu có hơn 100 hộ kinh doanh buôn bán, mỗi hộ có 3 người.
Đại diện Hợp tác xã du lịch Vũng Tàu cũng cho rằng, chủ trương của thành phố là đúng đắn và HTX đã vận động các xã viên chấp hành. Tuy nhiên, TP cũng nên xem xét đề nghị nguyện vọng của các xã viên về việc quy hoạch một địa điểm cho các hộ kinh doanh để đồ đạc, bàn ghế hoặc nấu nướng.