Có một khoảng thời gian trong năm rất đặc biệt với tuổi thơ đồng quê. Đó là vào cữ cuối tháng Tư âm lịch, khi bắt đầu những ngày nghỉ hè đầu tiên. Khi ấy, bầu trời chiều chỉ lào phào mấy đám mây đen thôi cũng đủ làm thành cơn mưa đầu mùa chớp nhoáng.
Sau mưa, cỏ cây xanh mướt. Trong vườn, ngoài đồng râm ran tiếng côn trùng. Tiếng ve cũng trong vắt. Các khe nước nhỏ trên đồi ri rỉ chảy xuống những con ngòi, con suối đục ngàu. Trong những vũng nước, lạch nước ven cánh đồng, những đám trứng ếch đông lại như thạch, lấm chấm đen bám vào bụi cỏ nước.
Chỉ cần mấy trận mưa liên tiếp là nước mới xô đầy những con ngòi, dồn ra cửa sông. Đám cá mẹ bơi ngược dòng đẻ trứng ngày một nhiều. Đêm trăng, nghe rõ tiếng cá vật đẻ quẫy bì bọp. Lũ cá rô thì bạo gan rạch từ ao lên tận trên vườn và bụi cây rậm. Một sân nước mưa trôi chảy thể nào cũng vớ được vài con rô, cái diếc le te ngược dòng.
Bọn trẻ nhảy lên thích thú trong mái hiên. Nhìn những bong bóng mưa nổi lóp đóp trên sân gạch, chúng hát lên những câu đồng dao:
"Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai
Con ở với bà, bà không có vú
Con ở với chú, chú là đàn ông
Trèo lên cây hồng, cháu chê hồng ngọt
Trèo lên cây nhót, cháu chê nhót chua
Cháu đi vào chùa, cháu ăn trộm oản"...
Lũ trẻ cười ré lên rồi bắt đầu lột áo, cởi trần chạy ra tắm mưa. Bà và mẹ nghe những lời hát ấy thì phì cười. Chẳng may bà mẹ nào góa bụa có ý định đi bước nữa cũng chột dạ.
Nhìn bọn trẻ vô tư té nước lên người nhau cũng thấy lòng mình trong sáng hơn. Có chú cá nào chẳng may bị tóm cũng sẽ được thả ra để đi đẻ trứng. Mẹ bảo, đừng bắt cá mùa nó sinh sôi mà có tội. Người đi thuyền đánh cá cũng đợi đến giữa mùa hè, khi nước lũ tràn về đạt đến đỉnh điểm mới dong thuyền đi buông lưới.
Trên cánh đồng ngập lụt trắng xóa mênh mông nước, người ta bỏ lưới xuống và gõ mái chèo vào mạn thuyền lanh canh suốt ngày đêm xua cá. Tiếng gõ thuyền ấy khắc vào tâm trí của bất cứ đứa bé nhà quê nào.
Bởi thế mà khi gặp trận mưa đầu mùa hối hả, chẳng đứa trẻ nào bắt cá về ăn. Chúng cũng biết nâng niu mùa cá nở. Lúc ấy, lúa trên đồng cũng hoe vàng đợi mùa gặt mới. Đám cua cũng đùn mà ngay cửa hang sinh đẻ. Những con chuồn chuồn mới nở bay rợp bờ ao ngay giàn mướp mỗi chiều về. Hoa khế tím khẽ rung rung trước gió, làm người ta thấy nguyên vẹn một chốn thanh bình.
Sẽ bất hạnh lắm nếu ai đó quanh năm sống chen chúc nơi phố thị, không còn chốn quê để đi về. Nếu không còn được thấy một mùa hè với những cơn mưa mới, không còn thấy mùa cá nở, mùa lúa chín hay những bờ tre, ruộng lúa, con sông hoặc một trận gió thổi không biên giới thì có lẽ, tâm hồn sẽ xơ cằn, già cỗi lắm.
Lại nhớ, có người bạn vong niên từng bảo, trót bán nhà ở quê theo con ra thành phố ở mới thấy mình dại dột. Có lẽ lại phải tìm mua một ngôi nhà ở làng quê để thi thoảng đi về hít thở không khí trong lành cho khỏe mạnh. Và cũng để đỡ nhớ quê.
Nếu làng quê mà không còn mái ngói, không lũy tre, đâu đâu cũng bịt bùng bê tông thì còn gì là làng quê nữa? Nếu thế, những cánh đồng, những con ngòi nhỏ có còn nuôi được mùa cá sinh sôi? Nếu ký ức về mùa cá nở không còn trong những đứa trẻ quê thì quà là tiếc? Mùa nào đủ sức dưỡng nuôi tâm hồn con người ta trong đời? Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy chạnh lòng...
Và kia, ai đó ầu ơ ru em bé ngủ trên cánh võng. Đám trẻ thôi tắm mưa tự lúc nào. Cơn mưa đã ngớt. Dòng nước nhỏ đã đưa mùa cá nở vào tâm trí rất nhiều người, trong đó có tôi. Điều đó thật lạ và tự nhiên. Nó khiến ta mỗi khi trên chặng đường đời xa ngái bỗng gặp một cơn mưa bất chợt giữa mùa cá nở, lại thấy ấm áp như được trở về bên mái ấm ấu thơ. Nếu không có điều đó, lấy gì mà nhớ hỡi nhà quê!