Cá nuôi rất dễ bị bệnh, nếu không được điều trị kịp thời cá sẽ bệnh nặng và chết. Những biểu hiện và hành vi của cá cho thấy tình trạng sức khỏe và môi trường mà cá đang sống.
Những đặc điểm của một con cá khỏe mạnh:
- Bơi dễ dàng và đều đặn.
- Linh hoạt.
- Vây được giữ thẳng.
- Tình trạng cơ thể tốt (đường nét cơ thể đầy đặn, đặc biệt chú ý đến vùng bụng).
- Cơ thể khỏe mạnh cân đối.
- Ăn tốt.
- Mang cá có màu hồng tươi, các tơ mang rời nhau.
- Màu sắc cơ thể rõ ràng.
Dưới đây là những hành vi và dấu hiệu bất thường trên cá
Ăn ít hoặc bỏ ăn
Nếu cá bị căng thẳng hoặc bị bệnh, chúng sẽ không ăn. Người nuôi nên quan sát xem bể có còn thức ăn thừa hay không, theo dõi xem cá có ăn ngay khi thức ăn vừa được cho ăn không. Cá có thể ngừng ăn hoàn toàn khi mắc bệnh hoặc cũng có thể tự nhiên cá ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường hay chỉ ăn một loại thức ăn nhất định.
Vận chuyển cá đi xa, thêm thuốc hay hóa chất vào bể nuôi, chất lượng nước kém hay những tác động vật lý hoặc tiếng động lớn đột ngột cũng có thể dẫn đến căng thẳng cho cá.
Yếu ớt hoặc lờ đờ
Cơ thể cá nhìn rất yếu ớt với động tác bơi chậm chạp, từng tí một, thường không liên tục mà đứt đoạn hoặc cá lờ đờ thả mình trôi theo dòng nước. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiệt độ nước không phù hợp. Nếu nước quá nóng hoặc quá lạnh, cá của bạn sẽ không hoạt động. Các nguyên nhân khác có thể do cho ăn quá nhiều hoặc chất lượng nước kém.
Hành vi bơi bất thường
Đối với các loài cá, hoạt động bơi là một hình thức vận động thường xuyên và hàng ngày của chúng. Cá bơi lội bất thường thường là một trong những triệu chứng đầu tiên cho biết có điều gì đó không ổn trong bể cá của bạn. Nguyên nhân có thể do nhiễm bệnh hoặc chất lượng nước kém.
Cá bị mất thăng bằng, mất kiểm soát độ nổi (không thể tự lam nổi bản thân hoặc chìm xuống đáy bể), bơi bất thường hay đảo lộn xoay tròn trên mặt nước. Khi cá mất khả năng bơi hoặc nổi bụng thì lúc đó vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn.
Cần xác định rõ nguyên nhân là do cá bị bệnh hay đang bị stress để nhanh chóng có hướng điều trị chính xác.
Thở gấp gáp
Cá ở gần mặt nước ’thở hổn hển’ hoặc há miệng để hít thở không khí. Tăng nhịp thở hoặc thở gấp. Cá thở hổn hển trên mặt nước có thể do chất lượng nước xấu hoặc do không đủ oxy hòa tan trong nước. Kiểm tra nước bể của bạn mỗi ngày và đầu tư một máy sục khí sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
Điều này cũng có thể là kết quả của sự tổn hại hệ hô hấp (do nhiễm ký sinh trùng ở mang, nhiễm độc nitrit hay nước có tính axit).
Bơi giật giật
Cá nuôi có biểu hiện bơi lắc hoặc bơi bật lên đột ngột. Một số loài cá sẽ nhảy lên khỏi mặt nước và sử dụng sức căng bề mặt của mặt nước hoặc đột ngột lao sang một bên và cọ thân vào các vật thể trong nước để tự “gãi ngứa”.
Thông thường, người nuôi cá cảnh sẽ chỉ nhìn thấy biểu hiện sau quá trình “tự chữa” đó như tróc vảy hoặc tổn thương trên da. Lý giải hành động đó là do phản ứng với kích ứng da khi nhiễm ký sinh trùng như rận cá (Argulus spp.), ký sinh trùng (Gyrodactylus spp.) hoặc động vật nguyên sinh (Ichthyophthirus sp).
Mặc dù cá bơi giật giật thường do ký sinh trùng gây ra, nhưng đôi khi, một tác nhân gây căng thẳng làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cá, tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.
Trùng mỏ neo thường gặp trên các loại cá nước ngọt, kể cả cá cảnh (Cá Koi, cá Ngân Long,...)
Vây khép (các vây không giữ thẳng mà khép lại vào thân).
Vây khép là tình trạng cá liên tục giữ vây gập vào thân. Cá bị bệnh khi bơi thì việc khép, xòe vây trở nên không còn linh hoạt, đôi khi không thể thu khép khi bơi qua những chướng ngại. Vây bị khép có thể do nhiệt độ nước không phù hợp, pH thay đổi đột ngột gây căng thẳng cho cá, nước hồ kém chất lượng hoặc cá bị ký sinh trùng như Ichthyophthirus sp…
Thay đổi bất thường trên cơ thể
Thay đổi màu sắc cơ thể: Khi bị căng thẳng, cá dĩa chuyển sang màu sẫm, trong khi những loài cá như cá tai tượng chuyển sang màu nhạt hơn. Sự mất màu trên cơ thể cá cũng có thể do nhiều nguyên nhân như các vấn đề về da, bệnh trong cơ thể, và các yếu tố trong bể nuôi như oxi, ánh sáng. Ngoài ra, cá cũng thay đổi màu sắc khi bị căng thẳng hoặc chúng tấn công lẫn nhau.
Xuất hiện dấu hiệu cá bệnh như: đốm, mụn, đỏ, xuất huyết, loét hoặc tổn thương da trên thân cá cũng như trên các vây chính và vây phụ, sưng bụng, cổ trướng… do cá bị bệnh. Các thay đổi về mắt: mắt đục hoặc lồi.
Tình trạng cơ thể gầy, biểu hiện bằng ’bụng hóp’ hoặc đầu to không cân đối với kích thước cơ thể. Cá bị bệnh mãn tính như mycobacteriosis hoặc cá ngựa vằn bị nhiễm Pseudoloma cũng là nguyên nhân làm cá gầy. Hình dạng và màu sắc của mang cá khác thường, nhợt nhạt do nhiễm bệnh hoặc nâu sẫm do nhiễm độc nitrit.
Cá mang theo những vệt phân dài (hơn 1/4 chiều dài cơ thể cá, cho thấy cá bị bệnh đường ruột). Cá bị rối loạn đường ruột thường có những vệt phân dài. Cá bị nhiễm ký sinh trùng hoặc một số bệnh do vi rút cũng gây nên hiện tượng này.
Quan sát cá mỗi ngày không chỉ là cách thư giãn mà còn giúp bạn kiểm tra và phát hiện những thay đổi hình dáng và hành vi bất thường trên cá để tìm ra nguyên nhân và kịp thời xử lý. Hy vọng những thông tin trên giúp người nuôi chăm sóc tốt hơn cá cưng của mình.