Diện tích nuôi ốc hương thương phẩm đang tăng trở lại
Còn nhớ vào năm 2020 đến cuối năm 2021, do tác động của dịch COVID-19 nên ốc hương chỉ tiêu thụ nội địa, giá bán sụt giảm nghiêm trọng, dưới 140.000 đồng/kg, lãi suất thấp nên không kích thích người dân mở rộng diện tích thả nuôi.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, nghề nuôi ốc hương ở nước ta đã phát triển mạnh trở lại, thu được hiệu quả kinh tế cao và chiếm tỷ lệ lớn trong nuôi trồng thủy sản. Ước tính diện tích nuôi trồng ốc hương cả nước hiện đạt khoảng 1000 ha. Trong đó, diện tích nuôi ốc hương của tỉnh Khánh Hòa chiếm gần 70% diện tích nuôi ốc hương trên cả nước, thường đạt 400 - 600 ha. Ngoài ra, các tỉnh có diện tích nuôi lớn khác như Ninh Thuận khoảng 60 ha, Quảng Ngãi trong quý I 2023 đạt 24,9 ha,...
Sau cú sốc rớt giá thê thảm kéo dài trong những năm trước, nguồn cung bị thu hẹp làm giá ốc hương thương phẩm có chiều hướng tăng cao, đã tạo niềm tin cho người dân tái nuôi trở lại.
Tình hình tiêu thụ và thị trường đầu ra
Trước tình hình thị trường biến đổi liên tục, theo thông tin từ truyền hình nông nghiệp Việt Nam, giá ốc hương thương phẩm thu mua tại đìa hiện nay có giá bán dao động trong khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg tùy kích cỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ốc hương.
Đối với thị trường nội địa: Thị trường ốc hương nội địa tại Việt Nam đang có sự tăng cầu đáng kể từ phía người tiêu dùng và có nhiều kênh tiêu thụ khác nhau. Các điểm tiêu thụ chính bao gồm: các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch, chợ và siêu thị. Ngoài ra, ốc hương còn có mặt trên các dịch vụ giao hàng và ứng dụng di dộng. Nhiều doanh nghiệp và người bán đã cung cấp dịch vụ giao ốc hương tận nơi, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Đối với thị trường xuất khẩu: Xuất khẩu ốc hương của Việt Nam đang có tín hiệu rất tích cực với việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng. Các thị trường chính bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu,… Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho ốc hương Việt Nam. Sự tăng cầu từ thị trường Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ốc hương sang đây. Giá cả, tiêu chuẩn và phương thức vận chuyển ốc hương thường dựa trên yêu cầu của từng thị trường đích. Kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng, cho thấy tiềm năng lớn cho ngành xuất khẩu ốc hương của Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Cơ hội
Những cơ hội lớn đến từ các hiệp định thương mại: Ngành nuôi ốc hương là một trong những ngành đang có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam. Theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các sản phẩm ốc hương của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và mở rộng thị trường. Đây là cơ hội lớn để ngành nuôi ốc hương phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các công nghệ mới, tiên tiến cũng góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng ốc hương. Một số công nghệ nuôi ốc hương mới đã được phát triển và kiểm chứng như: Công nghệ nuôi ốc hương 3 giai đoạn giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, Nuôi ốc hương thương phẩm trong Hệ thống tuần hoàn (Recirculation Aquaculture System - RAS), nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III đã phát triển công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp dành cho ốc hương. Sau gần 2 năm triển khai, kết quả bước đầu được đánh giá khả quan.
Thách thức
Tình hình xuất khẩu: Biến động trong thị trường xuất khẩu có thể tạo áp lực lên người nuôi ốc hương. Hiện nay, tỷ lệ ốc hương xuất khẩu theo đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch vẫn còn chiếm đa số, dẫn đến phụ thuộc vào thị trường có cự ly gần là Trung Quốc. Do đó cần nâng cao chất lượng, phát triển thị trường nội địa để không quá phụ thuộc vào thị trường chính dẫn đến tình trạng như thời điểm dịch COVID-19, khi thị trường Trung Quốc dừng mua, ốc hương lại rơi vào “khốn cảnh”, thiệt nhất vẫn là bà con đã đầu tư tâm sức và tiền bạc vào nuôi ốc hương.
Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu: Đa số các diện tích nuôi trồng ốc hương lớn tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển miền trung - nơi thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các thay đổi tiêu cực từ thời tiết. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng đến nhiệt độ, độ mặn và độ pH của nước, gây ra sự suy giảm sinh khối và chất lượng của ốc hương.
Tuy có tiềm năng, nhưng ngành nuôi ốc hương cũng đối mặt với thách thức từ sự tăng cao của số hộ nuôi, dẫn đến vượt mật độ khuyến cáo. Điều này có thể gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và giảm sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Việc chủ động phòng bệnh cho ốc hương là một phần quan trọng để đảm bảo sự bền vững của ngành.
Chủ động quản lý và phòng bệnh cho ốc hương
Ốc hương tuy dễ nuôi hơn tôm, giá trị kinh tế lại cao. Thế nhưng, đa số các hộ nuôi thừa nhận nuôi ốc hương không khác gì đánh bạc, trúng tiền tỷ, nhưng rủi ro cao, nếu ốc bị dịch bệnh chết thì mất cũng tiền tỷ vì đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.
Để đảm bảo sản lượng và chất lượng ốc hương tốt đáp ứng cho thị trường đầu ra, tạo hiệu quả lợi nhuận sản xuất, trong quá trình nuôi bà con cần chú ý những khâu sau:
- Cải tạo ao đìa: Đây là nước đầu tiên và vô cùng quan trọng vì ngoài khi ăn đa số thời gian ốc hương đều vùi mình trong cát. Bà con nên rút cạn nước, phơi đáy ao giữa các vụ kết hợp dọn dẹp sạch rong và ốc tạp từ vụ trước để lại, lượng vôi bón từ 7 đến 10 kg/100 m2. Phủ lên đáy ao lớp cát biển sạch, dày khoảng 5 - 10 cm để ốc vùi mình.
- Chọn con giống: Chọn con giống có chất lượng tốt, đã qua kiểm dịch. Nên mua con giống tại những tại nuôi uy tín.
- Xử lý môi trường nước ao: Sử dụng các chế phẩm sinh học định kỳ trong quá trình nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường nước nuôi. Chú ý che chắn mưa để đảm bảo các thông số chỉ tiêu ổn định cho nước trong ao nuôi.
- Phòng trị bệnh: Ốc hương là loài nhuyễn thể, bộ phận quan trọng nhất và cần lưu tâm là vòi hút thức ăn. Bà con nên nên chú ý các biểu hiện để phát hiện sớm các bệnh thường gặp trên ốc hương như: sưng vòi, bệnh ốc bỏ vỏ, hội chứng chết hàng loạt,.. và thường xuyên bổ sung các loại vitamin như vitamin C, B1, men tiêu hóa, khoáng chất… vào thức ăn để tăng khả năng hấp thụ, giúp ốc sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.
- Ngoài ra, có thể nuôi ghép với một số đối tượng khác, vừa tận dụng diện tích mặt nước, tăng thêm thu nhập, vừa để cải thiện, xử lý môi trường ao nuôi. Một số đối tượng có thể nuôi ghép với ốc hương như cá dìa, hải sâm, rong câu, rong nho,…
Tóm lại, cùng với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá thì ốc hương là đối tượng nuôi mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng... Trong tương lai, việc duy trì và cải thiện sự quản lý, cũng như phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ốc hương tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế và sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.