Theo các tổ chức tín dụng, vốn đầu tư cho con tôm không thiếu, nhưng cái thiếu ở đây chính là quá trình nuôi tôm chưa xây dựng được chuỗi giá trị. Đó là toàn bộ các công đoạn từ khâu cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, vật tư phục vụ nuôi trồng cho đến công đoạn nuôi tôm thương phẩm, thu hoạch, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Các công đoạn trong chuỗi giá trị này được kết nối với nhau thông qua các hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, cung ứng và thu mua sản phẩm giữa các thành viên trong chuỗi giá trị tôm. Từ chuỗi giá trị này, các tổ chức tín dụng sẽ đầu tư vốn vào từng công đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị tôm. Qua đó đảm bảo nguồn vốn dồi dào phục vụ phát triển sản xuất từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra.
Vấn đề đặt ra là vì sao các tổ chức tín dụng cần thực hiện cho vay theo chuỗi giá trị? Bởi, việc đầu tư vốn cho vay theo chuỗi giá trị là nhu cầu không thể thiếu để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư, và đó còn là sự ràng buộc về trách nhiệm của các khâu cung ứng đầu vào - đầu ra, hơn cả là bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho nông dân.
Một bất cập tồn tại trong nhiều năm qua làm nông dân đối mặt với khó khăn là khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh thì yếu tố “đầu vào” gần như đứng ngoài cuộc. Các công ty cung ứng đầu vào (như bán con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản…) đều đổ lỗi do diễn biến thất thường của thời tiết, môi trường thay đổi làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Do vậy, khi xây dựng chuỗi trong nuôi tôm, trách nhiệm của từng khâu sẽ được làm rõ thông qua những quy ước giữa các thành viên tham gia chuỗi. Cụ thể như doanh nghiệp cung cấp tôm giống cho người nuôi tôm phải đảm bảo đúng chủng loại, đủ số lượng, đúng chất lượng, đồng đều kích cỡ, đảm bảo tôm khỏe mạnh, sạch bệnh, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc đến tôm bố mẹ, có giấy tờ kiểm dịch…
Bên cạnh đó, giá bán tôm giống được áp dụng theo giá công bố của công ty tại thời điểm bán và theo chính sách ưu đãi cho đối tượng khách hàng thực hiện liên kết chuỗi. Sau khi giao tôm giống phải cử cán bộ kỹ thuật xuống hiện trường để kiểm tra các chỉ số môi trường nước trước khi thả giống; hướng dẫn người nuôi điều chỉnh các yếu tố môi trường (nếu các yếu tố này chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật). Thực hiện bảo hành sản phẩm trong 30 ngày đầu về chất lượng con giống. Có chính sách chia sẻ rủi ro với người nuôi tôm (như hỗ trợ bù giống, cho nợ gối đầu tiền tôm giống hoặc cho vay ưu đãi…) nếu trong quá trình nuôi gặp các sự cố về dịch bệnh.
Hay đối với bên thu mua, chế biến tôm xuất khẩu, cùng với thực hiện thu mua tôm theo giá hợp đồng, cần cử nhân viên giám sát quá trình nuôi tôm, thực hiện quy trình kỹ thuật tại vùng nuôi. Hỗ trợ các thành viên thuộc hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm đã ký kết liên kết chuỗi giá trị đạt các chứng nhận nuôi tôm bền vững (VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP…) và duy trì chứng nhận này trong những năm tiếp theo. Hỗ trợ người nuôi tôm trong bảo vệ môi trường, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để thực hiện nuôi tôm hiệu quả; có thể hỗ trợ tiền cho người nuôi tôm tham gia chuỗi giá trị để cải thiện mặt nước nuôi tôm…
Thông qua những quy ước này, rủi ro và hạn mức đầu tư của người nông dân sẽ được chia sẻ. Thậm chí, nếu chuỗi giá trị này được phát huy thì nông dân sẽ không cần đến vốn vay của ngân hàng, nếu có chỉ là vốn mồi và chỉ cần có đất, bỏ công vào sản xuất khi các khâu khác đã được đầu tư. Tương tự, các tổ chức tín dụng cũng không cần đầu tư vốn trực tiếp cho nông dân, mà chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong nuôi tôm.
Quyết tâm trở thành thủ phủ của ngành tôm cả nước và các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang lan tỏa mạnh mẽ trong người dân Bạc Liêu. Vì thế, việc khuyến khích và xây dựng chuỗi liên kết trong nuôi tôm là điều kiện cần để đồng vốn từ các ngân hàng chảy mạnh vào chuỗi sản xuất để phát triển nghề nuôi tôm.