Những ngày qua, tình trạng nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt tại các tỉnh ĐBSCL. Tại Trà Vinh, chỉ trong vòng 45 ngày vừa qua, tại các vùng nuôi tôm ven biển thuộc các huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và thị xã Duyên Hải có trên 471ha tôm sú của 1.284 hộ thả nuôi bị thiệt hại, với số lượng hơn 103 triệu con giống; gần 2.150 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại hơn 444 triệu con giống trên diện tích 721ha.
Hầu hết tôm sú, tôm thẻ chân trắng chết trong giai đoạn từ 20 - 40 ngày tuổi, do bệnh đốm trắng, đỏ thân. Nguyên nhân dẫn đến tôm bị nhiễm bệnh là do từ tháng 4 thời tiết nắng nóng gay gắt, tạo sự chênh lệch cao nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Theo kết quả lấy mẫu xét nghiệm của 88 mẫu tôm tại các vùng nuôi trong tỉnh, đã có 24 mẫu nhiễm bệnh, gồm: 9 mẫu tôm nhiễm vi-rút gây bệnh đốm trắng, 3 mẫu tôm nhiễm vi-rút gây hoại tử gan tuỵ cấp, 5 mẫu tôm nhiễm vi-rút gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, 7 mẫu tôm nhiễm vi bào tử trùng.
Trước tình hình tôm nuôi bị thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh đã cung cấp hơn 95 tấn Chlorine hỗ trợ nông dân xử lý mầm bệnh ao nuôi; đồng thời, khuyến cáo đối với những hộ dân đã thả giống tôm nuôi nên thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, xử lý độ mặn nước thích hợp trong ao nuôi.
Đến thời điểm này, nông dân nuôi tôm ở Trà Vinh đã thả nuôi trên 30.000 ha mặt nước, tăng hơn 4.000 ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 579 triệu con tôm giống các loại bị thiệt hại, chiếm gần 29% lượng con giống thả nuôi. Địa phương có nhiều tôm nuôi bị thiệt hại, gồm huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải với mức độ thiệt hại từ 25 đến 30% diện tích thả nuôi.