Cá tra là loài thủy sản đặc hữu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ đầu thập niên 1990, sau khi làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo, sản lượng cá tra hàng năm tăng nhanh. Năm 2004, sản lượng cá tra đạt 300.000 tấn, trong 10 năm từ năm 1997-2004, sản lượng tăng gấp 15 lần, chất lượng thịt cá tra nguyên liệu được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Năng lực chế biến được cải thiện đáng kể với 15 nhà máy chế biến, công suất đạt khoảng 80.000 tấn/năm. Đến cuối năm 2014, diện tích nuôi cá tra toàn khu vực ĐBSCL ước đạt 5.500ha, sản lượng 1.116.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,8 tỷ USD. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh có sản lượng cá tra lớn của khu vực với gần 1.500ha mặt nước nuôi thương phẩm (vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm trên 1.000ha). Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã trở thành ngành kinh tế chiến lược, thu hút trên 200.000 lao động, hơn 70 cơ sở chế biến phi lê cá tra đông lạnh, đóng góp lớn cho phát triển ngành thuỷ sản nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói riêng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ngành sản xuất cá tra xuất hiện nhiều điểm yếu, mất dần thị trường do cạnh tranh dẫn đến người nuôi bị thua lỗ. Khó khăn chủ yếu là chi phí sản xuất tăng, tỷ lệ cá sống thấp, hao hụt cao, lợi nhuận không có. Nuôi ồ ạt không quy hoạch, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, chất lượng giảm sút. Xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp nhiều thử thách và rào cản như dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, chính sách thương mại...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản lượng cá tra nguyên liệu, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, giảm thiểu việc hao hụt, thua lỗ của người nuôi thì việc liên kết chuỗi giá trị cá tra từ sản phẩm đầu vào cho đến chất lượng đầu ra là rất quan trọng. Trong chuỗi giá trị này doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Người nuôi tự lo vốn đầu tư, doanh nghiệp đầu tư một phần và thu mua với giá bán theo thị trường, đảm bảo người nuôi luôn có lãi từ 500 - 1.500 đồng/kg.
Tại diễn đàn, các diễn giả dành nhiều thời gian để giải đáp thắc mắc cho nông dân về những thủ tục cần thiết để thành lập cơ sở sản xuất giống cá tra, việc hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ, cách ứng phó với những rào cản thương mại, quyền lợi của các bên khi tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ, việc phân chia lợi ích cá tra theo chuỗi, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi cá như thế nào là hợp lý...
Có thể thấy, Diễn đàn lần này là nơi để “4 nhà” (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và doanh nghiệp) cùng chung tay để khắc phục những khó khăn, hạn chế; đồng thời tìm ra một giải pháp thật sự tốt về lâu dài cho ngành sản xuất cá tra nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản nói chung khi Việt Nam đang đứng trước thềm hội nhập TPP.