Trước đó, sau đợt đánh giá tại Việt Nam từ ngày 15 đến 19-5, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu đã có 5 nhóm khuyến cáo và yêu cầu Việt Nam khắc phục liên quan đến chống khai thác (hải sản đánh bắt từ biển như mực, bạch tuộc, cá ngừ, tôm sắt, cá biển…) bất hợp pháp trước ngày 30-9. Nếu Việt Nam không khắc phục tốt và đầy đủ, có khả năng EU sẽ trừng phạt bằng cách cảnh báo thẻ vàng (yellow card). Trong đó, có nhóm khuyến cáo về pháp lý và thực thi cần phải đưa vào luật và chờ Quốc hội thông qua. Vì vậy, Việt Nam đề nghị EU lùi thời hạn xem xét vấn đề thẻ vàng để có thời gian khắc phục. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhìn nhận vấn đề thực thi các quy định về chống khai thác trái phép không dễ dàng, cần các bên liên quan hành động ngay mới đáp ứng yêu cầu.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đưa ra tại hội nghị Doanh nghiệp (DN) hải sản cam kết chống khai thác bất hợp pháp (IUU) do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều 25-9 tại TP HCM.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, kim ngạch xuất khẩu hải sản đánh bắt của Việt Nam hằng năm đạt từ 1,9-2,2 tỉ USD. Trong đó, thị trường EU chiếm khoảng 400 triệu USD. Mỹ (kim ngạch 350 triệu USD/năm) cũng có kế hoạch chuẩn bị hệ thống kiểm soát nhập khẩu hải sản nhằm chặn khai thác bất hợp pháp từ ngày 1-1-2018. Nếu bị thẻ vàng, 100% container hải sản xuất khẩu xuất sang EU sẽ bị giữ lại từ 3-4 tuần để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Nếu lô hàng đạt, DN phải tốn phí đến 700 euro/container, không đạt sẽ bị trả hàng, tổn thất lên đến 10.000 euro. Sau thời gian bị thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không được đánh giá cải thiện, EU sẽ chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với cấm xuất khẩu các loại hải sản khai thác sang EU.
Trước tình hình trên, các DN hải sản đã đồng cam kết chống khai thác bất hợp pháp. Hiện có hơn 50 DN đăng ký tham gia tự nguyện, đóng phí ban đầu 20 triệu đồng/DN và sau đó là dựa trên doanh thu xuất khẩu hải sản để đóng phí nhằm thực thi các chương trình hành đồng như phổ biến, tập huấn cho ngư dân, thương nhân tại các cảng cá; nâng cấp và thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc hải sản.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam - thành viên Ban Điều hành chống khai thác hải sản bất hợp pháp thuộc VASEP, thay mặt các DN cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ tàu cá khai thác hợp pháp, không thu mua hải sản khai thác bất hợp pháp, nói không với hải sản quý hiếm, hải sản đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.