Sở dĩ thức ăn gây dị ứng là do hoặc bản thân thức ăn chứa nhiều histamin hoặc khi vào cơ thể qua chuyển hóa thức ăn làm sản sinh ra nhiều histamin và một số chất gọi là chất hóa học trung gian (serotomin, axeticolin...) có tác dụng làm giãn mao mạch, thoát huyết tương và một số tế bào trắng thoát ra đọng lại gây phù nề tại chỗ, ở một vùng hoặc rải rác khắp cơ thể.
Để điều trị dị ứng thức ăn, nếu chỉ là mày đay cấp, nhẹ chỉ cần dùng thuốc kháng histamin như: phenergan, dimedron, chlopheniramin, cimetidin... Nặng hơn có khi phải kết hợp với các chế phẩm corticoid (prednisolon, dexamethason...) uống hoặc tiêm, truyền. Đối với phù Quincke, sốc phản vệ do thức ăn phải được phát hiện và điều trị kịp thời ở cơ sở y tế chuyên khoa mới mong thoát khỏi tử vong.
Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm nhưng bệnh nhân phải không gãi vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề.
Trong Đông y thường dùng các đơn thanh lương giải độc có kim ngân, bồ công anh, ké đầu ngựa, cỏ mực, cam thảo,... vừa có hiệu lực, vừa an toàn đối với các thể mày đay nhẹ, mạn tính.
Khi dùng thuốc cần lưu ý, các thuốc kháng histamin và corticoid tuy có tác dụng đặc hiệu trong dị ứng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ và tai biến đôi khi nghiêm trọng. Thuốc kháng histamin thường gây ù tai, chóng mặt, nặng đầu, choáng váng, buồn ngủ. Do đó, khi dùng thuốc không nên lái xe, đi xe máy, làm việc ở giàn giáo cao, dễ gây tai nạn. Đối với corticoid dùng liều cao, lâu ngày có thể dẫn tới phù nặng mặt, teo da, xốp xương, rối loạn chuyển hóa nhẹ hoặc nặng...
Vì vậy, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám bệnh sớm ngay từ khi mới phát bệnh để được thầy thuốc hướng dẫn và điều trị thích hợp, nhất là giúp phát hiện thức ăn gây dị ứng để loại trừ, đó là phương pháp triệt để nhất. Nổi ban sẩn nề, kèm theo triệu chứng khác thường về nội tạng, nhất là khi có phù nề ở mặt, môi, lại càng phải sớm đi khám bệnh để phòng diễn biến xấu hơn. Dị ứng thức ăn tuy là thông thường nhưng không thể xem nhẹ.