Điểm sáng với tôm và khó khăn với cá tra
Số liệu của VASEP, trong 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 1,429 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, 3 sản phẩm hàng đầu: Tôm là điểm sáng với 542,387 triệu USD, tăng 30,8%; còn cá tra 253,241 triệu USD, giảm 0,8% và cá ngừ 126,481 triệu USD, giảm 3,5%. Những sản phẩm khác: Cá các loại còn lại 302,783 triệu USD, tăng 13,6%; mực và bạch tuộc 101,009 triệu USD, tăng 13,8%; cua ghẹ 62,762 triệu USD, tăng 86,1%; nhuyễn thể có vỏ 39,089 triệu USD, tăng 121,6%; nhuyễn thể khác 1,43 triệu USD, tăng 8,3%.
Triển vọng năm 2025, VASEP nhận định, ngành tôm khá lạc quan, nếu các yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền ông Trump không gây thêm gián đoạn. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Còn cá tra lại đang đối mặt không ít thách thức. Thị trường lớn là Hoa Kỳ được kỳ vọng hồi đầu năm khi giải quyết xong vụ kiện thuế chống bán giá tại WTO, nhưng đến nay nhu cầu vẫn ảm đạm, tồn kho lớn. Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ với mức thuế bổ sung 10% áp lên thủy sản chế biến từ Trung Quốc, gián tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu, chắc chắn thêm khó khăn với cá tra.
Nhìn lại thị trường Hoa Kỳ từ năm 2017, năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền với nhiều rào cản thương mại, cùng với vụ kiện chống bán phá giá đã khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này giảm mạnh. Nếu như năm 2016 vừa tăng 23% so với năm 2015 thì sang năm 2017 đã giảm 11% so với năm 2016. Đến năm 2019 giảm tới 48% so với năm 2018, và tiếp tục giảm 14% trong năm 2020. Những yếu tố gây sụt giảm là thuế chống bán phá giá, rào cản thương mại và kỹ thuật, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Nay vụ kiện chống bán phá giá đã được giải quyết, thì các yếu tố khác lại tiếp tục căng thẳng.
Những lý do cần tính toán để thả nuôi cá tra
Mấy tháng đầu năm 2025, cá tra nguyên liệu tăng giá ấn tượng, hiện ở mức cao nhất trong 3 năm với 32.000-33.000 đồng/kg cho cá trên 1kg/con, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi từ 2.000-3.500 đồng/kg. Đây là kết quả của xuất khẩu tăng, đặc biệt từ cuối năm 2024, khi các doanh nghiệp ghi nhận nhiều đơn hàng ổn định đến ít nhất tháng 6/2025.
Tuy nhiên, VASEP khuyến cáo, người nuôi cá tra cần thận trọng, tránh mở rộng sản xuất tự phát, bởi giá cá hiện tại có thể mang tính “ảo” và dễ lao dốc nếu cung vượt cầu. Việc liên kết chặt chẽ giữa nuôi với doanh nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại và tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng mới có thể duy trì lợi thế cạnh tranh.
Dự báo nhu cầu xuất khẩu năm 2025 sẽ ổn định ở mức 900.000 tấn và kim ngạch khoảng 2 tỷ USD nếu các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Trung Đông có dấu hiệu tích cực, chẳng hạn Hoa Kỳ áp thuế nặng hơn vào hàng hóa Trung Quốc và cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi. Trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng tăng, nhất là các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như collagen, dầu cá, cá tẩm gia vị sẽ giúp đa dạng hóa đầu ra và cá tra giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.
Mở rộng thả nuôi cá tra năm 2025 nếu các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Trung Đông có dấu hiệu tích cực
Những dự báo trên nếu diễn ra thì năm 2025 có thể mở rộng thả nuôi cá tra, nhưng cũng phải đáp ứng một số điều kiện để đạt hiệu quả kinh tế. Đó là chuẩn bị nguồn giống sớm và đảm bảo chất lượng. Tận dụng được thời điểm nửa đầu năm 2025 khi giá cá nguyên liệu cao và nhu cầu xuất khẩu ổn định. Giảm được chi phí thức ăn và chi phí sản xuất nhờ các chương trình hỗ trợ hoặc giao dịch số lượng lớn.
Những rủi ro cần cân nhắc không nên thả nuôi cá tra
Tuy nhiên, biến động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn là một ẩn số lớn. Nếu bị áp thuế cao hơn, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng nặng, gây tồn đọng và giảm giá. Trong lúc, nhu cầu của các thị trường lớn như EU và ASEAN dự kiến chưa phục hồi mạnh, có thể khiến mức tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm các thị trường thay thế để tránh phụ thuộc.
Mặc dù giá cá nguyên liệu có cao nhưng nếu giá xuất khẩu không tăng tương ứng, biên lợi nhuận của người nuôi cũng sẽ bị thu hẹp, đặc biệt trong nửa cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu có thể giảm. Mặt khác, áp lực từ tồn kho tăng tính đến cuối năm 2025 dự kiến tới 70.000 tấn (cao hơn cuối năm 2024); Nếu xuất khẩu không duy trì tốt, việc tồn kho tăng dễ gây áp lực giảm giá cá nguyên liệu vào cuối năm.
Việc thả nuôi cá tra vẫn gặp rủi ro về nguồn cung cá giống. Đầu năm 2025 có thể xảy ra tình trạng khan hiếm cá giống do mùa lạnh ảnh hưởng đến việc thả giống và nuôi mới. Nếu không chuẩn bị được nguồn giống chất lượng sớm, có thể ảnh hưởng đến sản lượng và chi phí nuôi.
Cho nên, quyết định thả nuôi cá tra năm 2025 rất cần cân nhắc và có thể không nên nếu còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU do rủi ro từ thuế quan và nhu cầu yếu; chưa có sự chuẩn bị tốt về tài chính để đối phó với biến động giá cá và chi phí đầu vào. Nhất là nếu chưa có chiến lược dài hạn để xử lý vấn đề tồn kho và tìm kiếm thị trường thay thế.