Sau thất bại tại lần thả giống thứ nhất vào đầu năm 2019, gia đình ông Trần Quốc Vựng (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) tiếp tục cải tạo 2 hồ nuôi và thả lứa giống mới. Ông Vựng cầm cố tài sản vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng để mua hơn 6 triệu con giống và đặt mọi hi vọng vào vụ nuôi mới. Vậy nhưng, sau 2 tháng dày công chăm sóc, ốc hương lại có triệu chứng sưng vòi, đơ, không leo và không di chuyển.
Gia đình ông Vựng vớt ốc hương để dồn nuôi 1 hồ nhằm giảm chi phí
Ông Trần Quốc Vựng chia sẻ: “Trung bình 1 hồ nuôi ốc hương sẽ ăn khoảng 3 tạ cá mỗi ngày nhưng bây giờ chỉ hết khoảng 5 – 6 yến cá. Ốc chết dần chết mòn nên tôi đang cho công nhân cào 2 hồ đổ dồn lại 1 hồ để nuôi để vừa đỡ tốn công chăm sóc, vừa tốn tiền điện”.
Nhẩm tính sơ qua thiệt hại của vụ nuôi mới, gia đình ông Vựng thất thoát gần 600 triệu đồng. Cộng với thiệt hại từ 2 hồ nuôi chết đợt 1 (tháng 4/2019 – PV), năm 2019, gia đình ông Vựng đã mất trắng hơn 1 tỷ đồng.
Được biết, sau đợt ốc hương chết hàng loạt vào đầu tháng 4/2019, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã trực tiếp về lấy mẫu nguồn nước để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả cho thấy, nguyên nhân ốc chết là do môi trường ao nuôi chưa được người dân xử lý tốt trước khi thả giống; cộng với đó là sự khắc nghiệt của thời tiết và mật độ thả giống cao hơn nhiều so với khuyến cáo.
Trước kết luận của cơ quan chức năng, các hộ nuôi đã bắt tay vào xử lý vệ sinh môi trường ao nuôi và tiếp tục thả nuôi lứa mới, những mong vớt vát phần nào thiệt hại.
Tuy nhiên, như diễn biến hiện tại, nhiều hộ nuôi đang “đứng ngồi không yên” với những khoản nợ lớn treo lơ lửng. Nhiều gia đình sau 2 lứa nuôi thất bát đã phải đóng cửa trại, bỏ trống ao nuôi như: Anh Trần Đình Viu (thôn 4), anh Trần Văn Đức (thôn 2)… Còn lại, các gia đình khác nếu có “cầm cự” ở xứ Cồn Vạn thì đều phải thu hẹp hồ nuôi bằng cách dồn con giống ở 2, 3 hồ vào 1 hồ để giảm bớt chi phí.
Ông Lê Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Xứ Cồn Vạn hiện có 24 hộ nuôi ốc hương với tổng diện tích 21,7 ha. Các hộ nuôi ở đây đều có vay vốn ngân hàng, nhà ít thì 500 triệu, nhiều thì hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, một số hộ thiệt hại lớn đã bỏ trại vì không còn vốn để tiếp tục đầu tư. Số còn lại vẫn đang “cầm cự” để mong vớt vát được phần nào thiệt hại”.
Theo chia sẻ của các hộ nuôi, để giải quyết vấn đề ốc hương chết hàng loạt, họ phải xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Theo đó, ngoài xử lý bằng vôi bột, hóa chất, các hộ nuôi cần phải thay đáy hồ, thay lớp cát nền. Dự kiến, việc cải tạo 1 hồ nuôi cũng mất chi phí vài trăm triệu đồng. Nhiều hộ nuôi kiến nghị, thời gian tới, ngân hàng nới rộng chính sách để các hộ tiếp tục được vay vốn, tái đầu tư.
Địa phương cần cho một tổ chức quản lý xứ Cồn Vạn để dễ dàng kiểm soát ô nhiễm môi trường
Ông Trần Mạnh Duyên – một trong những người tiên phong đưa mô hình nuôi ốc hương về xã Cẩm Lĩnh cho hay: “Trước đây, mô hình nuôi ốc hương ở xứ Cồn Vạn chỉ có Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Cẩm Lĩnh triển khai. Thấy lợi nhuận, người dân trong vùng “đổ xô” vào nuôi khiến môi trường ở đây khó kiểm soát.
Nếu như trước đây, việc vận hành xả nước, lấy nước ở các hồ nuôi do một đầu mối thực hiện thì bây giờ, mạnh ai nấy làm. Việc xả nước, lấy nước không theo trình tự nên một khi ốc bị nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh và khó kiểm soát. Về lâu dài, để kiểm soát dịch bệnh và nuôi có hiệu quả, xã cần bố trí một tổ chức đứng ra quản lý xứ Cồn Vạn thì mới không lặp lại tình trạng trên”.