Ngày 2/8, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Cục đã phối hợp cùng cảnh sát kinh tế, công an các tỉnh biên giới điều tra, ngăn chặn tình trạng nhập lậu cá tầm.
Cục phát hiện nhiều giấy kiểm dịch do cơ quan thú y cấp cho những lô cá tầm thương phẩm và được sử dụng trên các tuyến mà giới buôn lậu vận chuyển tiêu thụ tại Việt Nam. Theo quy định, chỉ khi có dịch, cơ quan thú y mới cấp giấy này. Cục cảnh sát môi trường đang làm rõ việc cấp giấy kiểm dịch và sẽ công bố trong thời gian tới.
Theo Cục cảnh sát môi trường, thời gian qua hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hải sản nhập lậu diễn ra phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến sản xuất.
Tình trạng kinh doanh vận chuyển thủy sản nhập lậu vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Thủy sản có nguồn gốc Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam như cá quả, cá trình, các nheo, ba ba, ếch qua các cửa khẩu rồi tập kết tại các chợ cá Yên Sở, chợ Long Biên và một số ở quận Thanh Xuân. Một số được vận chuyển vào TP HCM bằng đường không từ sân bay Nội Bài và các tỉnh lân cận.
Thời điểm trước tháng 4, trung mình mỗi ngày có 5-7 tấn cá tầm được chuyển lậu về Hà Nội, nhưng đa số được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trại chăn nuôi trong nước. Giá nhập lậu khoảng 70.000 đồng nhưng về Hà Nội tiêu thụ với giá 150.000-200.000 đồng.
"Để đưa thủy hải sản và cá tầm nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa, giới buôn lậu thuê cửu vạn cõng hàng qua biên giới bằng đường mòn, lối mở sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, chờ có cơ hội thuận lợi sẽ dùng ôtô tải vận chuyển qua các tuyến đường bộ", Cục cho hay.