Tiềm năng phát triển
Từ năm 2000 đến nay, nghề khai thác xa bờ của Phú Yên đã phát triển rất nhanh, trong đó nghề câu cá ngừ đại dương với quy mô tàu thuyền ngày càng tăng; trang thiết bị khai thác hiện đại; kỹ thuật khai thác dần được nâng cao. Nghề khai thác cá ngừ đã trở thành thế mạnh của nghề cá Phú Yên. Bên cạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho ngư dân, nghề khai thác xa bờ còn góp phần giữ gìn an ninh, chủ quyền vùng biển hải đảo.
Phú Yên có các vùng biển nước sâu và một số vịnh kín gió thích hợp cho việc phát triển cảng biển, vùng neo đậu tàu thuyền và hạ tầng dịch vụ nghề cá.
Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của Phú Yên đều tăng. Năm 2010 đạt 51 nghìn tấn, 2011 đạt 55 nghìn tấn, 2012 đạt 60 nghìn tấn. Trung bình hàng năm, sản lượng khai thác thủy sản của Phú Yên tăng từ 8 đến 10 %. Có thể nói, góp phần chính cho sự gia tăng về sản lượng khai thác trung bình hàng năm là các nghề khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ và các đối tượng khai thác chính là các đàn cá di cư thuộc họ cá ngừ với 3 nghề chủ lực đó là nghề câu vàng khai thác cá ngừ đại dương; nghề lưới vây và lưới rê khai thác nhóm cá ngừ nhỏ. Mặc dù là tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương nhiều nhất, nhưng chỉ có vài doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, do vậy đóng góp kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh còn hạn chế.
Lao động khai thác thủy sản cũng là một vấn đề đối với phát triển khai thác của Phú Yên. Hiện có 28.759 lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, chủ yếu làm việc dựa vào kinh nghiệm tích luỹ được từ thực tế sản xuất, đây là vấn đề rất khó khăn cho việc chuyển đổi nghề và phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất ngư dân đã biết tự đào tạo nghề, tích lũy dần kinh nghiệm nên lực lượng lao động khá thành thạo, nhất là lực lượng lao động trong hoạt động khai thác cá ngừ đại dương. Trình độ công nghệ, năng suất khai thác, khả năng đi biển luôn đạt hiệu quả và chất lượng khai thác cao. Hiện có khoảng 5.200 lao động trực tiếp sản xuất trong hoạt động nghề khai thác cá ngừ đại dương, chiếm 19% so với tổng số lao động hoạt động khai thác thủy sản cả tỉnh.
Lịch sử hình thành và phát triển nghề cá ngừ Phú Yên
Nghề khai thác cá ngừ của tỉnh Phú Yên đã xuất hiện từ lâu với nhiều loại nghề như: Câu; vây; lưới rê; đăng và một số nghề khác. Từ năm 1997, thực hiện chương trình vay vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ của Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã chủ trương khuyến khích thúc đẩy phát triển đánh cá ở vùng biển xa bờ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển các nghề: câu; nghề rê và lưới vây để đánh bắt các đối tượng di cư ở vùng biển khơi như cá ngừ đại dương, thu, cá ngừ vằn, ngừ ồ … Trước năm 1997, Phú Yên chưa có tàu công suất >90 cv; công nghệ khai thác còn thủ công lạc hậu. Cho đến nay, đội tàu khai thác cá ngừ của Tỉnh gần 800 chiếc với trang thiết bị khai thác được cơ giới hóa, thiết bị hàng hải đảm bảo độ chính xác, tin cậy; trang thiết bị thông tin vô tuyến, dự báo thời tiết đáp ứng đảm bảo cho tàu hoạt động ở vùng biển khơi xa; thời gian bám biển cho phép có thể từ 30- 40 ngày/chuyến biển.
Việc khai thác cá ngừ hiện nay của ngư dân Phú Yên được thực hiện bằng 3 nghề chính: Lưới vây; lưới rê; nghề câu vàng. Nghề câu vàng khai thác ở vùng biển xa bờ, đối tượng chính là cá ngừ mắt to (bigeye tuna); cá ngừ vây vàng (yellowfin tuna). Nghề lưới rê và lưới vây đánh bắt nhóm cá ngừ nhỏ như cá ngừ vằn; cá ngừ chù; cá ngừ ồ.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương được xác định là nghề khai thác thủy sản chủ lực của tỉnh. Hàng năm trung bình mỗi tàu khai thác cá ngừ đại dương lợi nhuận gần 800 triệu đồng; thu nhập bình quân của thuyền viên 70 triệu/năm. Năm 2013 do sự tác động bất lợi của cá yếu tố về ngư trường; ảnh hưởng của sự gia tăng về giá cả nhiên liệu nên năm 2013 là năm mà nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn: Sản lượng khai thác thấp; thu nhập bình quân giảm sút.
Một số thách thức đối với nghề khai thác cá ngừ tỉnh Phú Yên
Thách thức lớn nhất cho hoạt động khai thác cá ngừ hiện nay là tàu thuyền nhỏ, công suất thấp, hầu hết do ngư dân chuyển đổi từ nhiều nghề khai thác khác nhau sang nghề khai thác cá ngừ, nên trang thiết bị thiếu đồng bộ, bảo quản sản phẩm còn thô sơ; khả năng chịu đựng sóng gió thấp nên rất khó khăn trong việc khai thác cá vụ Bắc.
Công tác dự báo ngư trường còn nhiều hạn chế. Thời gian trung bình của chuyến biển khá dài, cùng với phương pháp bảo quản sản phẩm bằng đá xay nên chất lượng sản phẩm bị giảm sút. Hoạt động khai thác chủ yếu của ngư dân dựa vào kinh nghiệm nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Hoạt động tiêu thụ cá ngừ hiện nay thường không ổn định về nhiều mặt như giá cả, khách hàng, chưa có tổ chức có tư cách pháp nhân để đại diện và bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Người đánh bắt cá ngừ không có được sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm của mình làm ra.
Cơ sở cung cấp dịch vụ nước đá, xăng dầu còn nhỏ lẻ manh mún. Cảng cá quy mô còn nhỏ, trang thiết bị xếp dỡ còn thủ công lạc hậu, luồng lạch có độ sâu hạn chế ảnh hưởng đến việc ra vào của tàu thuyền.
Để giải quyết các khó khăn trên, tỉnh Phú Yên đã đề ra một số giải pháp như tổ chức các hình thức liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động khai thác, vận chuyển trên biển nhằm nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm của cá ngừ Việt Nam. Tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đổi mới công nghệ, kỹ thuật và bảo quản sản phẩm, tổ chức tổ đội sản xuất trên biển, cùng nhau phòng chống bão; cứu hộ cứu nạn; chủ động tích cực tham gia phối hợp với bộ đội hải quân, biên phòng, cảnh sát biển trong bảo vệ quôc phòng an ninh trên biển; Tham mưu xây dựng thương hiệu đặc trưng của cá ngừ Phú Yên. Tổ chức điều tra, thống kê thường xuyên để có cơ sở khoa học nhằm đánh giá một cách trung thực nghề khai thác cá ngừ của tỉnh Phú Yên để làm cơ sở tham mưu cho các cấp chính quyền, cơ quan quản lý thủy sản hoạch định chính sách quản lý nghề khai thác cá ngừ. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp sửa chữa các cảng cá, bến cá. Xây dựng đồng bộ các cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá; Xây dựng chợ đầu mối thu mua hải sản; sắp xếp quy hoạch các cơ sở thu mua sơ chế bảo quản sản phẩm ở các cảng cá bến cá đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định.