Theo thống kê, có tới 16/20 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn đều có lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ 2011. Bốn “anh tài” còn lại là CMX, SJ1, ANV và VNH tuy may mắn có bức tranh kinh doanh sáng sủa hơn nhưng cũng chỉ có CMX và SJ1 vượt trên 50% kế hoạch của cả năm.
Từ cá bé…
FMC và FBT là hai doanh nghiệp “nổi cộm” của ngành vì hoạt động kinh doanh chìm trong thua lỗ nhưng kế hoạch đặt ra... lại quá sức mình, lần lượt là 22.5 tỷ đồng và 60.5 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng cao, đặc biệt là FBT, chỉ số hàng tồn kho gấp 4 lần cùng kỳ. Theo FBT, tôm giá rẻ nhập khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ cạnh tranh với tôm nuôi trong nước và dịch bệnh tràn lan… đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của công ty.
Còn FMC lại có tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm tới 91% so với nợ phải trả, ở mức 404 tỷ đồng. Dù hoạt động kinh doanh thua lỗ, nợ nhiều… nhưng FMC đang lọt vào tầm ngắm của “ông lớn” HVG khi tháng 6 vừa rồi đại diện HVG và SSI đã làm việc với FMC để bày tỏ ý định đầu tư. Nếu FMC “vào tay” HVG thì những khó khăn hiện tại của FMC có được biến thành triển vọng?.
ACL là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm mạnh nhất, tới 78% so với cùng kỳ, rớt từ mức 71 tỷ đồng xuống còn 15.5 tỷ đồng. Nguyên nhân được công ty đưa ra là do sức mua giảm trong khi các loại chi phí đều tăng, và “đây là một năm rất khó khăn của ngành cá tra”. Có thể thấy, kết quả này của ACL không đến nỗi tệ so với doanh nghiệp trong ngành cũng như so với kế hoạch lãi trước thuế 50 tỷ đồng của ACL cho năm 2012 (tương ứng 37.5 tỷ đồng lãi sau thuế). Tuy nhiên, kế hoạch này lại cách khá xa so với thực hiện năm 2011 là 115 tỷ đồng.
Suýt lọt vào danh sách thua lỗ, 6 tháng, ICF có chút lãi là 268 triệu đồng, hoàn thành chưa đến 2% kế hoạch năm (16 tỷ đồng). ICF “than thở” rằng doanh thu giảm đáng kể, các chi phí đều tăng, nhất là lãi vay ngân hàng nên đã dẫn đến kết quả không mấy tốt đẹp này. Được biết, 6 tháng đầu năm ICF phải chịu 6.6 tỷ đồng chi phí lãi vay khiến hoạt động tài chính âm 6 tỷ đồng. Hiện công ty còn 164 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, chiếm 77% nợ phải trả.
Ngoài ra, NGC, ATA, AAM, TS4 và AVF cũng có kết quả kinh doanh sụt rất mạnh và cách xa vời vợi so với kế hoạch cả năm.
… đến cá lớn
Khó khăn không hẳn chỉ đến với các công ty nhỏ mà ngay cả những ông lớn như VHC, MPC, HVG, AGD và AGF đều lâm vào tình cảnh tương tự.
MPC gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư khi lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2008. Dù mức lỗ chỉ gần 2 tỷ đồng trong quý 2, nhưng con số này cũng đã kéo lợi nhuận của 6 tháng xuống 62 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ và chỉ bằng 8% kế hoạch (715 tỷ đồng). Hàng tồn kho của MPC cũng tăng 84%, nợ vay ngắn hạn chiếm 62% trong nợ phải trả. Theo lý giải của MPC, công ty bị lỗ trong quý 2 do chi phí lãi vay tăng 74 tỷ đồng, giá bán tôm không tăng mà lại sụt giảm.
HVG có vẻ làm ăn khấm khá hơn so với các doanh nghiệp trong ngành. 6 tháng đã thực hiện được 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm, tuy nhiên so với cùng kỳ vẫn giảm 22%, đạt 183 tỷ đồng. Trong thời gian qua, HVG khá “nổi” với kế hoạch chào mua công khai VTF và làm việc với FMC để đầu tư. Nếu những thương vụ này thành công, HVG có làm nên chuyện lớn với tham vọng chiếm 25-30% kim ngạch xuất khẩu của ngành vào 2015?
Nguồn: VietstockFinance (ĐV tính triệu đồng)
Nếu như cùng kỳ 2011, AGF ghi nhận mức lãi ròng 6 tháng 35 tỷ đồng thì kỳ này chỉ còn 18 tỷ đồng, giảm 48% và cũng cách xa so với kế hoạch 63.5 tỷ đồng của cả năm. Dường như đã dự đoán trước được những khó khăn nên ngày từ đầu năm, ông chủ của AGF đã phân trần “do tình hình kinh doanh của ngành thủy sản năm 2012 có nhiều khó khăn nên công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2012 giảm so với 2011. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu lợi nhuận tăng so với năm trước là áp lực đặt ra cho Ban điều hành”.
Với việc đại gia thủy sản Bình An lún sâu trong nợ nần và gần đây thêm một đại gia khác cùng ngành là CTCP Chế biến thực phẩm Phương Nam cũng làm các chủ nợ, đối tác mất tin tưởng vào khả năng thanh toán đã khiến không ít nhà đầu tư lo lắng và đặt câu hỏi, liệu thời gian tới còn bao nhiêu doanh nghiệp lâm vào tình cảnh này? Gói hỗ trợ 9,000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra của Chính phủ đang ở giai đoạn nào khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn than… chưa có một đồng hỗ trợ nào.