Vướng kiểm dịch
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hiện nay, nhiều DN thuộc VASEP bày tỏ đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong lĩnh vực kiểm dịch thủy sản NK. Cụ thể, khi thực hiện Thông tư số 01/2012/TT-BTC ngày 3-1-2012 của Bộ Tài chính về thông quan hàng hóa NK phải kiểm dịch, DN còn vướng mắc nhiều chỗ.
Đó là quy định cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng NK; xác định form của cơ quan nước XK cấp (quy định sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, lô hàng đủ tiêu chuẩn thú y, không lây lan dịch bệnh động vật); thủ tục đăng ký xin giấy phép kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản NK là hàng mẫu.
Ông Hòe lý giải, trên thực tế, các DN thường yêu cầu khách hàng gửi hàng mẫu là sản phẩm thủy sản đông lạnh để khảo sát chất lượng nguyên liệu trước khi quyết định mua hoặc để sản xuất thử mặt hàng mới. Nhu cầu này thường phát sinh đột xuất với số lượng nhỏ và được gửi bằng đường hàng không nhằm tiết kiệm thời gian.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ NN&PTNT thì cho dù DN NK hàng hóa với số lượng nhỏ cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định như đăng ký kiểm dịch, khai báo kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa và lấy giấy chứng nhận chất lượng để nhận lô hàng. Có khi lượng hàng mẫu chỉ khoảng 0,5-1kg, thậm chí nhỏ hơn cũng phải làm đầy đủ thủ tục với khoảng thời gian chờ đợi từ 7-15 ngày.
Điều đáng nói là, DN chỉ có thể thực hiện thủ tục này tại Cục Thú y (trụ sở ở Hà Nội), trong khi nhiều DN lại ở những tỉnh, thành khá xa. Quá trình kiểm dịch cũng chỉ kiểm tra theo cảm quan bên ngoài đơn thuần. Việc này khiến DN mất khá nhiều thời gian, chi phí.
Ngoài ra, theo ông Hòe, DN cũng vướng cả ở khâu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hàng thủy sản XK. Hiện nay, muốn XK bất kỳ lô hàng nào, DN vừa phải lấy mẫu để kiểm nghiệm lô hàng làm điều kiện cấp chứng thư vừa bị cơ quan chức năng kiểm soát điều kiện sản xuất của nhà máy. Trong khi đó, khâu nuôi trồng trước chế biến lại bị quản lý một cách lỏng lẻo.
Ông Hòe cho biết, ở nhiều quốc gia, khu vực như Mỹ, EU, để đủ điều kiện XK, điều quan trọng nhất là nhà máy sản xuất, chế biến của DN phải được kiểm tra, đánh giá và tuân thủ đáp ứng luật lệ an toàn thực phẩm của những tổ chức uy tín nhất định. Khi đã thông qua sự đánh giá này, DN sẽ được cấp chứng thư (nếu cần) mà không cần thiết phải tiến hành kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trước khi XK.
Nan giải thuế môi trường
Bên cạnh vấn đề kiểm dịch, những quy định về quản lý môi trường cũng là điều khiến nhiều DN XK thủy sản đau đầu. Đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 quy định về phí bảo vệ môi trường. Trong đó, điều chỉnh tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ 6 - 10% so với các quy định trước đó.
Theo ông Hòe, đặc thù của ngành chế biến thủy sản là sử dụng nhiều nước trong các hoạt động nên chi phí sản xuất cao. Do đó, việc tăng phí bảo vệ môi trường dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm năng lực cạnh tranh của DN. Bên cạnh đó, nhiều bất cập trong việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp đã và đang ngày càng làm khó DN.
Cụ thể như, việc các nhà máy chế biến thủy sản cùng sản xuất, kinh doanh một ngành nghề nhưng lại tuân thủ 2 quy chuẩn khác nhau. Nếu nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) thì được áp dụng theo QCVN 11:2008/BTNMT (QCVN11) - Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản, chỉ phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nếu nhà máy nằm trong KCN thì áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT (QCVN40) - Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp, theo yêu cầu của Ban Quản lý KCN với các thông số cho phép với mức C thấp hơn mức C trong QCVN11 và phải nộp phạt nếu vượt mức quy định.
Hơn nữa, một số chỉ số quy định trong QCVN40 và QCVN11 (nhất là chỉ số phospho) quá thấp so với mức quy định của các nước và đặc biệt khó thực hiện đối với ngành chế biến thủy sản, gây khó cho DN. Ông Hòe lý giải, do công nghệ chế biến của các nhà máy thủy sản được phép sử dụng các hợp chất phosphat và non-phosphat để tạo cơ chế giữ nước cho sản phẩm, chưa kể tỷ lệ chất hữu cơ từ cơ thịt của thủy sản cao trong nước thải đã khiến hàm lượng phospho trong nước thải sau chế biến thủy sản thường vượt 3 lần so với mức tiêu chuẩn.
Đây là vấn đề chung của ngành thủy sản và cũng là một trong những cơ sở quan trọng để có QCVN đặc thù phù hợp với ngành. Tuy nhiên, trong QCVN11 đã quy định khá thấp (chỉ 6mg/l ở cột B) khiến DN có hệ thống xử lý nước thải đến cỡ nào cũng khó đáp ứng được.
Gần đây nhất, ngày 28-8-2013, VASEP đã gửi công văn số 182/2013/CV-VASEP đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị xem xét, sửa đổi và tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản trong việc thực hiện các quy định về quản lý môi trường nhưng tới nay tình hình vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Ông Hòe bày tỏ, các DN thủy sản rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có những sửa đổi phù hợp trong các quy chuẩn đang có hiệu lực thi hành, góp phần nhanh chóng giải quyết khó khăn cho DN.