Không bất ngờ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Theo các DN xuất khẩu thủy sản, việc bị EU rút thẻ vàng cũng không bất ngờ, bởi trong thời gian ngắn từ khi Đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam khắc phục không thể thực hiện ngay được mà cần có lộ trình, thời gian.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, hiện nay, trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm với 1,9–2,2 tỷ USD, EU và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16-17% với giá trị khoảng 350–400 triệu USD/năm, nên việc nhận thẻ vàng của EU có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc XK hải sản sang EU, và sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.
Các DN lo lắng, việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam vào thời điểm cuối năm–cao điểm XK hàng hóa sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch XK mặt hàng này. Bởi vì, chắc chắn XK hải sản sang EU sẽ giảm, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng. Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU giơ thẻ vàng. Hơn thế nữa, chi phí của các DN sẽ bị đội lên, do 100% container hàng hải sản XK sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container, và riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Tổn thất cho việc XK hải sản sang EU trong thời gian bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 euro/container.
Nỗ lực để xóa thẻ vàng
Theo quy định của EU, sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, Việt Nam sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu 6 tháng không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm XK các mặt hàng hải sản khai thác sang EU. Chính vì thế, hiện nay các đơn vị có liên quan đang tiếp tục nỗ lực để không bị chuyển sang thẻ đỏ và nhanh chóng được xóa thẻ vàng, trở lại thẻ xanh.
Theo lãnh đạo VASEP, hiện đơn vị đang gấp rút xúc tiến hợp tác với các đơn vị chức năng để cùng khắc phục các khuyến nghị của EU. Ngày 24/10/2017, VASEP và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm đảm bảo trong việc cam kết chống lại khai thác IUU, đồng thời thể hiện quyết tâm cùng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng nghề cá Việt Nam bền vững và quản lý hiệu quả. Theo đó, hai bên thống nhất cùng trao đổi và phối hợp thực hiện theo Chương trình hành động Quốc gia chống khai thác IUU của Chính phủ và đảm bảo các chương trình, cam kết hoặc kế hoạch của mỗi bên liên quan đến IUU được hỗ trợ, phối hợp để có kết quả tốt nhất. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam và VASEP sẽ hợp tác các nội dung gồm: Hỗ trợ, trao đổi thông tin; Tuyên truyền, đấu tranh chống khai thác bất hợp pháp; Hoạt động hợp tác khác. Hai bên xem xét kết hợp với Bộ NN&PTNT và Cơ quan quản lý thủy sản địa phương thiết lập và vận hành trung tâm dữ liệu nghề cá phục vụ truy xuất nguồn gốc IUU.
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, các đại biểu sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi. Đây là một trong những nội dung căn bản để Việt Nam thực hiện các cam kết về chống khai thác IUU, bởi vì các nội dung khuyến nghị của EU về chống khai thác IUU đã được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi, như: Chương trình điều tra nguồn lợi thủy sản 5 năm/1 lần, có quy định IUU, thành lập bộ phận kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành ven biển…
Lường trước được những ảnh hưởng trong việc XK hải sản, hiện đã có trên 70 DN thủy hải sản đã ký cam kết cùng hành động trong chương trình chống khai thác IUU. Theo đó, các DN cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; Kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm; Nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định…
Theo Đại tá Trần Văn Nam- Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng không giảm gây khó khăn cho công tác quản lý, tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác, XNK hải sản hợp pháp của các DN trong nước. Theo số liệu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, từ năm 2015 đến nay có trên 1.500 tàu cá và trên 7.300 ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ.