Tập đoàn công nghiệp Tân Tạo từng gây bất ngờ khi công bố thành lập Công ty cổ phần nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm (ITA Rice). Người chủ trì cho dự án là GS Võ Tòng Xuân - đang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo. GS Xuân đã trực tiếp theo dõi và chỉ đạo trồng và sản xuất lúa trên diện tích 60,3ha ở tỉnh Long An, gồm: Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Bến Lức.
“Nhóm nông dân tham gia chương trình của chúng tôi đạt năng suất khá tốt, trung bình 7-8 tấn lúa mỗi ha. Trong khi theo tính toán, chỉ cần năng suất 5,5-6 tấn mỗi ha là đã có lời”, GS Xuân nói.
Còn ông Dương Văn Châu, Phó giám đốc ITA Rice cho biết với năng suất 9 tấn một hecta, nông dân có lãi khoảng 27 triệu đồng. Công ty dự kiến những năm tới sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 5.000 hecta.
Theo GS Xuân, mục tiêu của ITA Rice là xuất khẩu, nhưng hiện mới làm trong nước. Vì muốn làm xuất khẩu, phải có diện tích trên 10.000 ha.
Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng tham gia làm gạo cách đây hai năm. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, từ năm 2012, biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn là 5,8% và tỷ lệ này giảm xuống còn 3% vào năm ngoái. Do vậy, công ty bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ những ngành khác, trong đó có việc đầu tư vào lúa gạo.
Hiện nay, Vĩnh Hoàn tập trung đầu tư gạo thơm và gạo đồ, hai loại gạo đang có tiềm năng lớn và giá cao. Gạo thơm đang được thị trường Trung Quốc, Hong Kong ưa chuộng. Gạo đồ được tiêu thụ mạnh ở các nước Hồi giáo và Trung Đông.
“Năm 2013, gạo mang về cho Vĩnh Hoàn khoảng 1,3 tỷ đồng doanh thu. Nhà máy gạo đầu tư ngay trong giai đoạn rất khó khăn, nên công ty cần 2-3 năm ổn định quy mô và thị trường. Lúc đó, chúng tôi sẽ bắt đầu có lợi nhuận”, bà Khanh cho biết. Đặc biệt, gạo thơm và gạo đồ xuất đi Trung Đông được khách hàng yêu cầu đóng nhãn thương hiệu Vĩnh Hoàn, để phân biệt với dòng gạo khác.
Bà Khanh cũng vừa có chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc trở về và cho biết đã ký hợp đồng với một chuỗi nhà hàng lẩu tại Trung Quốc. Trung bình nhà hàng tiêu thụ 5 container gạo mỗi tháng. Giá bán cho Trung Quốc cũng cao hơn thị trường khác 20-30 USD một tấn. Bà Khanh cho biết đang xác lập mối quan hệ để mua lại quota xuất khẩu sang thị trường này.
Bà chủ Vĩnh Hoàn cũng chia sẻ, dự tính đến năm 2015, công ty sẽ tiếp tục triển khai 24ha đất để làm khu liên hợp về gạo, bao gồm các cơ sở từ nghiên cứu giống lúa, nhà máy sấy, xay xát, chế biến và công ty xuất khẩu gạo.
Tay ngang chuyển qua làm lúa gạo, nhưng Công ty Thép Cẩm Nguyên ấp ủ quy mô lớn, đặc biệt là thế mạnh chế biến. Ông chủ Huỳnh Cẩm, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thép lý giải quyết định đầu tư làm nông nghiệp: “Thời gian làm sắt thép, tôi đi rất nhiều nước và trong lúc ăn cơm với bạn bè, khách hàng, nhiều người hay bình luận gạo này ngon, gạo kia không ngon, rồi bảo tôi là nghe nói ở Việt Nam gạo ngon lắm sao ông không làm? Nghe rất nhiều lần và qua nhiều năm, tôi đã quyết định làm”.
Ông Cẩm cũng phải thừa nhận những năm gần đây, do ảnh hưởng khó khăn chung của ngành nên kinh doanh sắt thép giảm lợi nhuận, đã phần nào tác động đến chiến lược của công ty. Theo Nghị định 109 của Chính phủ, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu lúa gạo phải có nhà máy nằm trong và gắn với vùng nguyên liệu, có công suất xay xát 10 tấn một giờ (240 tấn một ngày), kho chứa 5.000 tấn. Vì vậy, Cẩm Nguyên quyết định đầu tư lớn.
“Vùng Đồng Tháp Mười là vựa lúa của quốc gia, khu vực tôi chọn xây dựng nhà máy thuộc xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp không những nơi đây có sản lượng lúa lớn nhất tỉnh, mà vòng vòng các xã huyện lân cận, các tỉnh kế bên cũng là những vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long, kể cả lúa của Campuchia cũng đi ngang qua nhà máy của tôi, người ta gọi đây là rốn lúa của Việt Nam”, ông Cẩm lý giải quyết định chọn Đồng Tháp làm nơi đặt nhà máy.
Theo ông Cẩm, lò sấy lúa, máy xay xát, Cẩm Nguyên đều nhập thiết bị tiên tiến, một ngày công suất 580 tấn và kho chứa trên 100.000 tấn. Với quy mô này, ông Cẩm sẵn sàng “chơi đẹp” với nông dân.
“Bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa tươi chở đến Cẩm Nguyên để sấy lúa và gửi kho, trong thời gian gửi kho, bà con được tạm ứng một số tiền theo giá trị lúa gửi để trang trải chi phí. Sau một thời gian gửi, giá lúa lên bà con có quyền quyết định bán lúa cho Cẩm Nguyên hoặc lấy về”, ông Cẩm nói.
Đến nay, Cẩm Nguyên đã có khá nhiều đơn đặt hàng và thị trường chính vẫn là các nước châu Á.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng việc một số doanh nghiệp trước đây đầu tư vào bất động sản, vào thép, nay đang chuyển sang sản xuất nông nghiệp, kể cả lúa gạo là xu hướng tốt.
Theo TS Sơn, cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 1-2% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, nếu tỷ lệ đấy tăng gấp 10 lần, tình hình nông nghiệp Việt Nam sẽ khác hẳn.
“Hiện tại, từ đồng bằng sông Cửu Long, toàn bộ lúa gạo và nông sản phải chuyển lên TP HCM để xuất khẩu, Cảng Cần Thơ chưa thể xuất khẩu trực tiếp trên quy mô lớn mà phải chuyển từ Tây Nam bộ lên TP HCM trong bối cảnh không có đường sắt, hệ thống đường bộ chật chội, chỉ có một đoạn đường cao tốc ngắn ở Tiền Giang… Tình trạng giao thông của vùng trọng điểm nông nghiệp Tây Nguyên còn khó khăn hơn”, ông Sơn phân tích.