Để có thể cho ra được một sản phẩm chất lượng cao thì điều đầu tiên cần làm là người tiêu dùng phải thực sự khắt khe, khó tính trong việc chọn lựa và mua hàng. Với một mặt hàng như thủy sản, thói quen của người tiêu dùng từ trước đến nay thường chỉ mua ở chợ mà không cần biết rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như cách thức nuôi, và quan trọng là không biết là nó có bệnh hay thực phẩm liệu có còn tươi sống hay không-một điều mà không phải ai cũng có thể phân biệt. Từ thói quen đó sẽ khiến cho họ không mua được thủy sản ngon và nhất là an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP- một mô hình nuôi thủy sản mới, đang được quan tâm và phát triển ở Hà Nội.
HTX Thủy sản Trầm Lộng huyện Ứng Hòa, Hà Nội là đơn vị đầu tiên tiên phong trong vùng trong việc phát triển thủy sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong 63 ha mặt nước của HTX này đã có khoảng 40 ha được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Lê Xuân Hữu- Giám đốc HTX cho biết, các thành viên tham gia phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như: không được nuôi thả tự do, cho ăn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng các sản phẩm chăn nuôi mà chưa có sự cho phép, không xử lý môi trường nước bằng các hóa chất bất kỳ như trước đây mà phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chung gồm “3 tốt”: giống tốt, môi trường tốt, con người tốt và “4 đúng”: đúng mật độ thả giống, ăn đúng liều lượng, đúng giờ và đúng chỗ.
Theo ông Hữu, đơn vị nuôi nên kết hợp các loại cá dựa theo môi trường sống của chúng dựa trên tầng nước mà chúng có thể sinh sống tốt như tầng đáy, tầng trung và tầng mặt nước. Với đặc tính cộng sinh như nuôi cá mè, cá trôi với cá trắm, cá chép vừa có thể dọn dẹp các chất thải hay thức ăn thừa vừa làm sạch nước một cách tự nhiên. Ngoài ra, cần phải chủ động khống chế dịch bệnh trong ao bằng việc vệ sinh ao nuôi định kỳ 2 lần/tháng với men vi sinh, thảo dược, thường xuyên tháo nước ra ngoài và cho nước luân chuyển vào ra, kèm theo đó là chạy quạt sục khí oxi để cung cấp oxi cho cá hoạt động cũng như đảm bảo oxi cho các loại sinh vật hiếu khí, giúp cân bằng môi trường sống của chúng. Nhờ việc áp dụng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm thủy sản của HTX Trầm Lộng đưa ra thị trường không chỉ an toàn mà còn ngon hơn các loại cá nuôi theo phương pháp cũ.
Một nông dân ở thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội cũng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình VietGAP từ năm 2015. Sau 7 năm kiên trì áp dụng nuôi cá theo kiểu VietGAP, trên một diện tích 3,5ha mặt nước, nếu như trước đây nuôi phương pháp truyền thống ông chỉ thu được 10 - 15 tấn cá/ năm, sau khi nuôi theo mô hình VietGAP, hàng năm lượng cá ông thu được luôn đạt 25 – 30 tấn/ năm. Cá nuôi ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon hơn nên sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và đặt mua giúp cho ông thu lãi khoảng 600 triệu đồng mỗi năm , giúp ông tạo dựng được chất lượng và uy tín cho sản phẩm của mình.