Cánh đồng xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội mấy năm nay không thể canh tác được do bị ngập nước. Đây là vùng đồng trũng, mùa mưa nước lên ngập cả cánh đồng khiến bờ ruộng bị mất, các thửa ruộng nối liền nhau không còn ranh giới. Nhìn từ trên đê xuống không thể phân biệt được đó là cánh đồng hay là một cái đầm.
Xung quanh cánh đồng được bao bọc bởi một hệ thống đê cao. Hệ thống cống thoát nước nằm cao hơn so với mặt ruộng khiến cho nước ngập trong ruộng không thoát được. Người dân xã Ngọc Hòa phải sử dụng biện pháp tát nước thủ công để đưa nước ra khỏi ruộng.
Lợi dụng địa hình trũng, ngập nước quanh năm, người dân hai xã Ngọc Hòa và Tiên Phương thả cá xuống ruộng, nuôi lớn và thu hoạch.
Chùm ảnh bắt cá trên cánh đồng trong cái lạnh 10 độ C:
Cả thanh niên và người già, phụ nữ đều xuống ruộng bắt cá.
Những chiếc chậu nhôm, rổ, rá, bao nilon được dùng làm dụng cụ bắt cá, tép.
Anh Nguyễn Anh Huy, một người dân xem bắt cá xuýt xoa: “Mình đứng trên bờ còn rét run thế này, người ta lội nước thế kia chắc lạnh cóng chân tay".
Cảnh bắt cá nhộn nhịp dưới cái lạnh cắt da cắt thịt
Sau khi bắt cá, mò tép, họ mang số cá đó lên bờ, cạnh đường quốc lộ để tiêu thụ.
Những con cá tươi rói vừa mới được bắt lên được bán với giá mềm. Cá chép từ 60 – 70 nghìn/kg, cá rô phi bé 20 nghìn/kg, cá rô phi to là 25 nghìn/kg.
Có rất nhiều người tập trung ở đây để chờ mua được những con cá tươi ngon. Chính vì vậy, khu vực này trở nên nhộn nhịp như một khu chợ cá.